Tên lửa bay từ khu vực quanh thị trấn Pyongsong, đông bắc thủ đô Bình Nhưỡng, vào lúc 3h17, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết. Rob Manning, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói tên lửa được phóng từ Sain Ni, Triều Tiên, bay xa khoảng 1.000 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản, trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bay "cao hơn bất cứ vụ thử tên lửa nào mà họ đã thực hiện", theo Reuters. "Hoạt động nghiên cứu và phát triển của họ nhằm tiếp tục chế tạo các tên lửa đạn đạo có thể đe doạ bất cứ nơi nào trên thế giới".
Theo CNN, một quan chức quốc phòng Mỹ nói tên lửa đạt độ cao tới 4.500 km, trong khi vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gần đây nhất của Triều Tiên hôm 28/7 vươn tới độ cao 3.700 km.
Chính phủ Nhật ước tính tên lửa bay khoảng 50 phút và rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của nước này, theo đài truyền hình NHK. Một tên lửa Triều Tiên hôm 29/8 bay 14 phút trên bầu trời Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cho hay tên lửa đạt độ cao ước tính 4.000 km và nó phân rã trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật. Theo ông Onodera, nó được xác định thuộc loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) dựa trên quỹ đạo bay võng lên.
"Nếu những con số này chính xác, thì nếu được phóng với quỹ đạo chuẩn thay vì quỹ đạo võng này, tên lửa có thể đã có tầm phóng hơn 13.000 km. Một tên lửa như thế có đủ tầm phóng vươn tới Washington D.C, và thực tế là bất cứ khu vực nào của lục địa Mỹ", Ủy Ban các nhà Khoa học Quan tâm, một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Một điều chưa được biết là loại đầu đạn tên lửa. "Dựa trên sự gia tăng về tầm phóng, nó dường như đã mang một đầu đạn giả rất nhẹ", tổ chức đánh giá. "Nếu đúng, điều đó có thể nghĩa là nó không thể mang đầu đạn hạt nhân với tầm xa như thế này, bởi một đầu đạn như vậy sẽ nặng hơn rất nhiều".
Để phản ứng với vụ thử tên lửa Triều Tiên, Hàn Quốc tập trận "tấn công chính xác", phóng ba tên lửa, trong đó một quả có tầm phóng 1.000 km, nhắm chính xác vào một mục tiêu tượng trưng cho bãi phóng Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên án mạnh mẽ hành động "khiêu khích liều lĩnh" của Triều Tiên, trong cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên án vụ phóng thử là "hành động bạo lực" không bao giờ có thể dung thứ được. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế "gây áp lực tối đa" để Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đăng trên Twitter rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump "được báo cáo về tình hình Triều Tiên khi tên lửa vẫn còn đang bay trên trời". Ông Trump cho biết sẽ "xử lý vấn đề Triều Tiên".
Ông Trump và ông Abe cũng điện đàm sau đó, cảnh báo Triều Tiên đang tự đặt an ninh nước này vào vòng rủi ro bằng vụ phóng thử tên lửa khiêu khích mới. "Hai lãnh đạo tái khẳng định cam kết chống lại mối đe doạ Triều Tiên", Nhà Trắng thông báo về cuộc điện đàm. Hai lãnh đạo không thảo luận về lựa chọn quân sự với Triều Tiên, theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley và các đại sứ Nhật Bản, Hàn Quốc đã đề nghị triệu tập họp khẩn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau vụ phóng.
Triều Tiên đang tìm cách qua mặt khả năng tiến hành tấn công hạt nhân phủ đầu của Mỹ. Vụ phóng mới nhất xảy ra giữa đêm, không có thông báo trước, cho thấy Bình Nhưỡng có thể đang tiến bộ đáng kể, các chuyên gia nhận định.
Hình ảnh từ vệ tinh về các bãi phóng Triều Tiên không cho thấy bất cứ tên lửa nào trên bệ phóng đang chờ tiếp nhiên liệu, dù các quan chức Nhật trước đó cho tín hiệu radio chỉ ra một vụ phóng có thể xảy ra.
Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên kể từ ngày 15/9, khi Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung KN-17 bay qua đảo Hokkaido của Nhật, rơi xuống Thái Bình Dương. Triều Tiên cũng hai lần phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 hồi tháng 7.
Trọng Giáp