Tôi nên phòng ngừa cúm B cho các con như thế nào? Vaccine cúm A có phòng được cúm B không? (Thu Huyền, Hà Nội).
Trả lời:
Chào bạn,
Virus gây bệnh cúm ở người được chia làm 4 chủng cúm A, B, C, D. Trong đó, cúm C và D rất hiếm gặp và ít lây nhiễm ở người; cúm A và B là các chủng virus cúm gây bệnh phổ biến ở người, có thể gây thành dịch. Tại miền Bắc, số trẻ mắc cúm B đang gia tăng Đáng lưu ý là năm nay lại xuất hiện nhiều trường hợp cúm biến chứng nặng hơn, thậm chí đã ghi nhận 2 ca tử vong. Tại ổ dịch tỉnh Bắc Kạn, hơn 1.300 trẻ ốm sốt, một trẻ tử vong.
Mặc dù cúm B là một trong những chủng cúm mùa phổ biến ở nước ta và xuất hiện hàng năm nhưng không phải phụ huynh nào cũng hiểu đúng và đủ về bệnh để phòng bệnh hiệu quả.
Virus cúm B gồm 2 dòng là B/Yamagata và B/Victoria, có khả năng lây truyền từ người sang người, không lây truyền từ động vật sang người như cúm A. Các đặc tính di truyền và kháng nguyên của virus cúm B rất ít thay đổi và thay đổi chậm hơn so với virus cúm A. Cũng như cúm A, cúm B lây truyền thông qua các giọt bắn nhỏ có chứa virus cúm trong không khí khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện; hoặc do trẻ chạm vào các bề mặt chứa mầm bệnh rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của mình.

Vaccine cúm Tứ giá thế hệ mới phòng hiệu quả 4 chủng virus cúm phổ biến, trong đó có cúm B. Ảnh: VNVC
Tương tự như cúm A, các triệu chứng khi mắc cúm B thường là: sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi cảm thấy kiệt sức. Trẻ em bị cúm B cũng có thể có các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy). Mặc dù một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh, và đa số trẻ sẽ bình phục sau 1-2 tuần, tuy nhiên ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần.
Hiện nay các loại vaccine cúm Tứ giá thế hệ mới đã phòng hiệu quả 4 chủng virus cúm phổ biến, trong đó có các chủng đang gây dịch như cúm A (A/H1N1, A/H3N2) và hai chủng cúm B (B/Yamagata, B/Victoria). Vaccine được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn mỗi năm một lần. Người đã tiêm vaccine ngừa 4 chủng cúm A và B nếu mắc cúm các chủng khác cũng giảm nhẹ hơn các triệu chứng, giảm nguy cơ mắc biến chứng nặng và thời gian bị bệnh ngắn hơn so với người chưa tiêm vaccine.
Phần lớn bệnh cúm B nhẹ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nặng đối với các nhóm đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ em dưới 5 tuổi; trẻ có các bệnh mãn tính (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh/mắc phải, bệnh gan, bệnh thận, bệnh hen, bệnh phổi mãn, bệnh tăng áp phổi); trẻ được dùng các thuốc ức chế miễn dịch; trẻ mắc các bệnh ung thư, bệnh máu rối loạn chuyển hóa, béo phì; người cao tuổi; phụ nữ mang thai; người bị suy giảm miễn dịch... Ở ổ dịch cúm B tại Bắc Kạn, trong số trường hợp trẻ mắc bệnh có biến chứng nặng như viêm cơ tim, suy đa phủ tạng đã có vài trường hợp trẻ không có bệnh lý nền. Do đó tình hình cúm và biến chứng do cúm năm nay khá phức tạp hơn so với những năm trước.
Cúm B lây truyền qua đường hô hấp và tiếp xúc, do đó biện pháp phòng bệnh là:
Giữ khoảng cách xa tối thiểu 1 mét với những người có triệu chứng mắc cúm.
Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn, trước khi chạm vào mắt, mũi, miệng.
Sử dụng khăn giấy khi ho và hắt hơi, vứt khăn giấy vào thùng rác đúng quy định.
Làm sạch các bề mặt, dụng cụ thường xuyên chạm vào
Không cho trẻ dùng chung các vật dụng như cốc uống nước, thìa, đồ chơi... Nếu trẻ có các triệu chứng của bệnh cúm nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, tuân thủ cách ly và điều trị.
BS.CKI Bạch Thị Chính
Giám đốc Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC