Bác sĩ Tống Thị Ngọc Cầm, Phó giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên trong bối cảnh miền Bắc vừa trải qua cơn bão số 3 Yagi; lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang... Theo bác sĩ, thời tiết mưa lũ khiến các bệnh lây qua đường tiêu hóa và hô hấp gia tăng. Để phòng bệnh, người dân nên tiêm các loại vaccine dưới đây.
Cúm
Hiện Việt Nam có vaccine cúm tứ giá sản xuất từ Pháp và Hà Lan phòng 4 chủng virus cúm phổ biến gồm B/Yamagata, B/Victoria, A/H1N1, A/H3N2. Tiêm vaccine cúm giúp giảm nguy cơ mắc 70-90%, 70-80% tỷ lệ tử vong và nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc.
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp. Virus gây cúm thường sống lâu ở trong điều kiện không khí lạnh, môi trường ẩm ướt. Bệnh có thể gây ra các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm cơ tim... Người có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền dễ trở nặng khi mắc cúm.
Thương hàn
Vaccine thương hàn cho hiệu quả phòng bệnh lên đến gần 80%. Hiện Việt Nam có hai loại vaccine là Typhim Vi (Pháp) và Typhoid (Việt Nam), tiêm cho trẻ hai tuổi và người lớn.
Ngoài vaccine, người dân cần phòng thương hàn bằng cách sử dụng hóa chất, thiết bị chuẩn để xử lý nước ở vùng lũ, mua và tích trữ nước sạch nhằm dùng sinh hoạt cá nhân. Thực phẩm nên chế biến kỹ, nấu chín, đun sôi nước để tiệt trùng.
Trong và sau mùa lũ, nhiều địa phương bị ngập lụt gây thiếu thốn nước sạch. Mặt khác, nhiều sinh vật, chất thải bị cuốn theo dòng nước, gây ô nhiễm. Tình trạng này khiến các bệnh đường tiêu hóa bùng phát, trong đó có thương hàn. Biểu hiện bệnh bao gồm sốt cao, đau quặn bụng, đầy hơi, tiêu chảy... Thương hàn có thể gây xuất huyết tiêu hóa với tỷ lệ 15%, thủng ruột từ 1 đến 3%.
Tiêu chảy do Rotavirus
Vaccine là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Vaccine Rotavirus được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần tuổi, cần hoàn thành trước 8 tháng tuổi, theo phác đồ uống hai hoặc ba liều tùy theo từng loại vaccine.
Điều kiện vệ sinh không đảm bảo trong mưa lũ có thể khiến trẻ phơi nhiễm với mầm bệnh Rota khi sử dụng nguồn nước hoặc thức ăn ô nhiễm. Tại Việt Nam, tiêu chảy do Rotavirus phổ biến thứ hai sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em. Trẻ mắc bệnh thường có triệu chứng tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đồng thời nôn ói nhiều, mất nước. Khi không được cấp cứu kịp thời, bệnh sẽ dẫn đến mất cân bằng điện giải, suy thận và có thể tử vong.
Bệnh tả
Để phòng bệnh, người dân nên chọn thực phẩm an toàn, ăn chín uống sôi, vệ sinh cá nhân và môi trường sống, có thể sử dụng vaccine phòng tả mORCVAX đường uống do Việt Nam sản xuất, chỉ định cho người từ hai tuổi.
Tả gây nhiễm trùng đường ruột, có thể dẫn đến sốc mất nước, trụy tim, suy thận, tử vong. Điều kiện vệ sinh kém mùa mưa bão có thể khiến người dân dễ mắc bệnh do tiếp xúc với vi khuẩn tả trong thực phẩm và nguồn nước.
Viêm gan A
Bệnh đã có vaccine, với các loại: mũi đơn Avaxim (Pháp), Havax (Việt Nam); mũi phối hợp phòng viêm gan A và B Twinrix (Bỉ). Các vaccine tiêm cho người từ 12 tháng tuổi. Người dân cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, vệ sinh môi trường sống và tiêm vaccine phòng đầy đủ.
Viêm gan A có thể bùng phát thành dịch trong điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước sạch. Đa số người bệnh tự khỏi, vẫn có tỷ lệ nhỏ gặp biến chứng như suy gan, hội chứng Guillain - Barre, viêm tụy cấp...
Bệnh uốn ván
Hiện vaccine phòng uốn ván có trong các loại gồm Infanrix Hexa và Hexaxim (6 trong 1), Pentaxim, SII, ComBE Five (5 trong 1); Tetraxim (phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt), Boostrix và Adacel (phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván), Td (phòng uốn ván - bạch hầu hấp phụ), TT (uốn ván hấp phụ). Sau lịch tiêm cơ bản, mỗi người nên nhắc lại vaccine sau 5-10 năm.
Nếu đã tiêm dự phòng uốn ván đầy đủ, khi có vết thương lớn, cần nhắc lại một mũi vaccine, không cần tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván hoặc globulin miễn dịch uốn ván (TIG). Người chưa rõ lịch sử tiêm chủng hoặc có vết thương hở cần đến cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn tiêm uốn ván, xem xét để chỉ định thêm huyết thanh kháng uốn ván nếu cần thiết.
Quá trình ứng phó bão, lũ lụt có thể khiến người dân gặp tai nạn thương tích và phơi nhiễm vi khuẩn uốn ván có trong môi trường bùn, đất, phân gia súc... Bệnh có tỷ lệ tử vong lên đến 90% do gây cứng cơ, ngừng thở, suy hô hấp.
Sốt xuất huyết
Để phòng sốt xuất huyết, người dân nên chủ động đậy kín các lu vại chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, ngủ trong màn, mặc quần áo dài tay, bôi thuốc chống muỗi đốt, tiêm phòng khi có vaccine. Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế hồi tháng 5 phê duyệt vaccine sốt xuất huyết Qdenga do hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) cung ứng. Vaccine sắp được triển khai tiêm tại Việt Nam. Vaccine sốt xuất huyết hiệu quả hơn 80%, dành cho người từ 4 tuổi. Lịch tiêm hai mũi cách nhau ba tháng.
Lũ lụt có thể khiến nguồn nước sạch khan hiếm, người dân cần tích trữ nước. Những vật dụng chứa nước không có nắp đậy và vũng nước đọng phát sinh sau lũ có thể tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và sinh sôi. Biểu hiện bệnh sốt xuất huyết gồm: sốt cao đột ngột, phát ban, đau xương, xuất huyết. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể diễn tiến nặng, gây sốc, giảm tiểu cầu, cô đặc máu và tử vong.
Hạ Lam
Nhằm đồng hành, hỗ trợ các tỉnh đang chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt, Hệ thống tiêm chủng VNVC thực hiện chương trình tiêm vaccine uốn ván và huyết thanh kháng uốn ván, bắt đầu từ 10/9. Đối tượng áp dụng là người dân và cán bộ chiến sĩ, lực lượng vũ trang có vết thương hở, cần phòng ngừa bệnh. Các cơ sở thực hiện gồm: VNVC tại Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên. VNVC cũng hỗ trợ thuốc men, vật dụng y tế như thuốc hạ sốt, tiêu chảy, thuốc sát trùng... cho người dân ở vùng lũ như Lào Cai, Yên Bái.