Các bệnh nhân đến phòng khám của ông để chữa trị chữa lành các vết thương sau khi cơn sóng thần cao 15 mét quét qua nhà họ hôm 11/3. Tuy nhiên, cũng có nhiều người đến đây để được chữa trị về tâm lý, xoa dịu những vết thương tinh thần, sự cô đơn và cảm giác bị cô lập. Những người già sống cả đời ở Ishinomaki đã chứng kiến nhà cửa, gia đình, bạn bè và láng giềng của mình bị cuốn trôi.
"Người già cần được chữa trị, nhưng họ cũng cần một nơi để gặp gỡ, trò chuyện", ông Muto nói. Trung tâm chữa bệnh của ông mở ra nhằm mục đích đó.
Các trẻ em Nhật Bản cầu nguyện cho những người đã mất trước đống đổ nát do sóng thần gây ra. Ảnh: ndtv |
Ishinomaki là một thành phố cảng sầm uất nằm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima khoảng 100 km về phía bắc. Sự đổ nát vẫn còn in dấu rõ ở thành phố này, nơi 165.000 cư dân đã bị mất nhà cửa vì sóng thần. Ông Muto đến đây hai tháng sau thiên tai, khi nhu cầu chăm sóc y tế khẩn cấp đã giảm xuống một chút.
Ông mở phòng khám bệnh You Home, cung cấp các dịch vụ chữa trị y tế thông thường. Sau đó, với sự trợ giúp từ quỹ từ thiện Pháp Secours Populaire Francais và quỹ Nippon, ông thành lập một trung tâm khám bệnh gần đó, chăm sóc y tế toàn diện cho các bệnh nhân. Trung tâm này có chương trình tư vấn miễn phí, với các chuyên gia ở Tokyo, sử dụng thiết bị cho phép họ kiểm tra các bệnh nhân từ xa.
Trung tâm này mở cửa vào tháng 9 và cũng mang lại nhiều việc làm cho cư dân trong vùng. Trong số 10 nhân viên của trung tâm thì có 7 người là người địa phương. Tuy nhiên, mục đích chính của ông Muto là tạo cho bệnh nhân một nơi gặp gỡ, giao lưu. Nhiều người trong số họ đang sống tạm trong các trung tâm sơ tán và thường bị cô lập với mọi người.
"Ở trung tâm của tôi, các thanh niên có thể tổ chức chiếu phim, người già uống cà phê hoặc ăn tối với bạn bè", ông nói.
Đối với ông, trung tâm này là nơi các nạn nhân có thể cảm thấy rằng họ không cô đơn và không bị bỏ rơi cho số phận. Sau thảm họa tháng ba, cả thế giới dành cho người dân Nhật Bản rất nhiều sự trợ giúp, quyên góp, nhưng việc chăm sóc dài hạn bây giờ là rất cần thiết.
"Cơ hội giao lưu là rất quan trọng để người Ishinomaki có thể đứng dậy trên đôi chân của mình. Tình bạn không giải quyết được mọi vấn đề nhưng nó là không thể thay thế", Julian Laupretre, chủ tịch Secours Populaire nói.
Anh Ngọc (theo AFP)