Nằm trên một ngọn đồi ở khu vực bị sóng thần tàn phá, cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima chỉ 27 km về phía nam, vị trí viện dưỡng lão Suisyoen đúng tâm điểm của ba cuộc thảm họa xảy ra với nước Nhật. Dù cấu trúc của viện có thể làm giảm những thiệt hại từ sóng thần và động đất nhưng nỗi lo sợ về ô nhiễm phóng xạ đã khiến các nhà quản lý phải sơ tán cư dân Suisyoen cho đến giữa tháng 5.
Một tuần sau khi họ quay về, công ty Daiwa House đã đưa đến cho Suisyoen hai con robot được phủ lông chống vi khuẩn, giờ đặt được tên là Love và Peace. Giá cho thuê các con robot là khoảng 12.000 yen, tương đương 155 USD mỗi tháng và được thuê trong vòng 2 năm.
Những người già trong viện dưỡng lão xem hai người bạn này như những thú cưng. Nhiều người trong số họ vẫn còn bị ám ảnh bởi những ký ức ngày 11/3. Có những người ôm hai con "thú cưng" lâu hơn những người khác.
"Nếu tôi ôm chúng thì dù có bão ở ngoài kia hay không, tôi vẫn cảm thấy an toàn", Satsuko Yatsuzaka, 85 tuổi nói sau khi bà ôm một con robot khoảng nửa giờ đồng hồ.
Bà Satsuko Yatsuzaka, 84 tuổi, đang ôm một con robot Paro tại viện dưỡng lão Suisyoen ở Iwaki, tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: China Daily |
Vì chỉ được ôm các con robot trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ nên các thành viên của viện dưỡng lão thường chọn buổi sáng, sau đó ôm trong bữa trưa để chiều sử dụng lại lần nữa. Các con robot thậm chí còn tham gia tập thể dục hàng ngày và được các ông bà giúp vỗ tay và hát cùng.
Bà Ayako Shizo, người đã mất nhà cửa trong trận sóng thần vừa qua và hiện đang sống ở Suisyoen cho biết, bà rất thích chơi với robot này, dù trước đó chưa từng nuôi thú cưng.
"Nó chỉ là một sinh vật nhỏ bé đáng yêu vì thế mọi người chăm sóc nó hàng ngày. Nó thi thoảng cũng bị hết pin và ngừng hoạt động nhưng khi nó mở mắt, mọi người đều vây quanh trò chuyện với nó, hỏi nó đang cảm thấy thế nào", bà Shizo nói.
Trong khi các viện dưỡng lão dùng động vật để điều trị cho các thành viên thì Tổng giám đốc của viện Suisyoen, ông Taku Katoono cho biết, việc dùng robot để điều trị làm giảm thiểu những khó khăn thường gặp trong việc sử dụng động vật sống.
"Sử dụng động vật sống để tăng khả năng điều trị là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cũng gặp phải khó khăn, do đó, chúng tôi sử dụng một con búp bê, một con robot như một phương pháp thay thế giúp họ hồi phục", ông Katoono nói.
Báo chí địa phương cho biết hơn một nửa số nạn nhân sóng thần có độ tuổi trên 65, những người sống sót vẫn đang nỗ lực tự chữa lành vết thương tinh thần của mình. Hiện tại, Suisyoen chưa có kế hoạch thuê thêm robot Paro nhưng nếu có một thành viên gắn bó đặc biệt với một trong hai con robot thì họ có thể tăng số lượng "người bạn" này cho các thành viên.
Anh Ngọc (theo China Daily)