Ông Hisashi Tarukawa, một nông dân 64 tuổi ở thành phố Sukagawa, tỉnh Fukushima, đã trồng lúa và hoa màu suốt cả cuộc đời mình. Tuy nhiên, tình trạng rò rỉ phóng xạ từ nhà máy hạt nhân địa phương đã buộc chính quyền phải ra lệnh cấm người dân trong tỉnh sản xuất nông nghiệp.
Sáng sớm ngày 24/3, con trai ông là Kazuya tìm thấy cha mình treo cổ bằng một sợi dây thừng trên cây trong vườn rau. Tarukawa, cha của ba người con, không hề để lại thư trăn trối lý do ông kết liễu cuộc đời mình.
"Tôi tin rằng hành động tự tử của ông là một hình thức phản đối, giống như seppuku", Kazuya ám chỉ nghi thức tự tử của các võ sĩ Samurai Nhật Bản.
Gia đình cho biết Tarukawa thường nói về sự khủng khiếp của phóng xạ từ khi ông tham gia một lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima năm 1945 cách đây hơn hai chục năm.
"Tôi không muốn ông ra đi một cách vô ích", Kazuya nói và thề sẽ kiện công ty điện lực Tokyo (Tepco), đơn vị điều hành nhà máy hạt nhân Fukushima, cả về những tổn thất tài chính và tinh thần mà gia đình phải hứng chịu.
Bà Mitsuyo Tarukawa, vợ ông Hisashi Tarukawa, trước bàn thờ chồng. Ảnh: AFP |
Nỗi sợ hãi và giận dữ đang ngấm ngầm tăng lên ở Nhật Bản, nhất là ở tỉnh Fukushima, nơi hàng chục nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa, nơi những người nông dân, ngư dân, chủ nhà hàng hay khách sạn mất đi sinh kế vì cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Bà vợ góa Mitsuyo của ông Hisashi nhớ lại cảm giác sốc của chồng khi chứng kiến cơn động đất phá hủy khu nhà kho và chuồng trại, và rồi sau đó nỗi buồn của ông bị choán bởi nỗi hoảng sợ trước mức độ của cuộc khủng hoảng hạt nhân.
"Chồng tôi là một người mạnh mẽ, nhưng ông ấy không thể chống chọi phóng xạ", quả phụ 61 tuổi khẽ nói, giọng bà rung lên khi đứng trước chân dung chồng đặt trên bàn thờ.
"Tôi rất buồn, thương tiếc ông ấy, nhưng nếu ông được lên thiên đường yên nghỉ thì tôi cũng chấp nhận sự ra đi", bà nói thêm.
Bi kịch của gia đình Turakawa không phải là duy nhất. Chính phủ Nhật Bản cho biết chỉ riêng trong tháng 6 đã có ít nhất 16 người tự tử vì tuyệt vọng trước ba thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân. Hầu hết những người này ở độ tuổi 50-60.
Con số này đã làm tăng thêm nỗi lo ngại về một vấn đề xã hội đã tồn tại khá lâu ở đất nước thiên tai Nhật Bản. Mỗi năm, có hơn 30.000 người Nhật tự sát, tỉ lệ chỉ thấp hơn một vài nước Xô Viết cũ.
Các chuyên gia lo sợ rằng nỗi đau do thảm họa 11/3 sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm các số liệu thống kê, khi sự tuyệt vọng trước cuộc sống của người dân tại các trung tâm tị nạn đông đúc và các khu nhà tạm bợ đang tăng lên.
Gần nửa năm sau trận động đất, số người tị nạn đã tăng lên trên 87.000 người. Các chuyên gia cho biết nhiều người sống sót cảm thấy tội lỗi vì còn sống trong khi nhiều người khác phải chết, hoặc vì không cứu được những người yêu quý. Cảm giác đó rất phức tạp và có thể gây ra chứng trầm cảm kinh niên.
"Không nhiều người nghĩ đến chuyện tự sát ngay sau một loạt thảm họa như thế, vì họ cảm thấy may mắn sống sót", Hisao Sato, chủ tịch của Kumo No Ito, một nhóm tư vấn và ngăn ngừa tự sát cho biết. "Tuy nhiên khi thời gian trôi đi, họ bắt đầu nghĩ đến chuyện tự tử khi phải đối mặt với thực tế, mất đi động lực và cảm thấy mệt mỏi, trong khi sự hỗ trợ từ bên ngoài cũng giảm đi. Họ không thể sống chỉ dựa trên niềm hy vọng".
Nhiều người dân Nhật Bản đã mất nhà cửa và người thân sau thảm họa ngày 11/3. Ảnh: Guardly |
Sato đang cố gắng tổ chức các chuyến thăm hàng tháng để tư vấn cho những người sống sót sau trận sóng thần ở thành phố Kamaishi. Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết đang xem xét việc cung cấp chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các nạn nhân, những người có thể bị cách ly trong các trại tị nạn.
Tuy nhiên, các nhà tâm lý học cảnh báo những chương trình đơn lẻ như thế sẽ không phát huy hiệu quả nếu các nạn nhận không được hỗ trợ toàn diện và thực tế, bao gồm trợ giúp tài chính và tìm kiếm việc làm, nhà ở mới.
Tsukasa Kanno, 59 tuổi, một trong những người sống sót, cho biết thiệt hại của thảm họa 11/3 đã đè nặng lên thị trấn Kamaishi của ông, nơi 1.200 người thiệt mạng hoặc mất tích gần bờ biển.
"Tôi đã mất nhà và cửa hàng, nhưng tôi vẫn hạnh phúc vì tất cả các thành viên gia đình còn sống sót", Kanno nói. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng bắt đầu nghĩ về những gì đã xảy ra. Tôi cảm thấy suy sụp, tôi không nhìn thấy tương lai".
Ông Kanno nói rằng giữa những người đã bị mất tất cả và những người còn sống, nhà cửa không bị ảnh hưởng gì, đã hình thành một cái hố sâu. "Dường như cả thiên đường và địa ngục đang cùng tồn tại trong một cộng đồng".
Anh Ngọc (theo AFP)