Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên bằng nhiệm vụ dẫn đầu đoàn thể thao Mỹ tới Nhật Bản dự Thế vận hội Tokyo 2020.
Trong 4 ngày ở Tokyo, bà không chỉ đại diện cho ngành công nghiệp thời trang Mỹ, mà còn thể hiện chủ đề của Thế vận hội được quảng cáo là Thế vận hội xanh nhất từ trước tới nay với khẩu hiệu: "Cùng nhau tốt hơn, vì hành tinh và con người", theo nhận định của Vanessa Friedman, chủ biên mục thời trang của New York Times.
Jill Biden chỉ mặc một bộ đồ mới duy nhất trong suốt chuyến đi tới Nhật Bản, đó là áo khoác và quần kiểu hải quân của nhà mốt Ralph Laure thiết kế, cũng chính là đồng phục của đội tuyển Olympic Mỹ. Những bộ đồ còn lại mà Đệ nhất phu nhân Mỹ mặc tại Thế vận hội đều là trang phục sẵn có trong tủ quần áo của bà.
Chiếc váy màu đỏ của hãng Narciso Rodriguez mà bà mặc khi hạ cánh xuống sân bay Tokyo từng được Jill Biden diện trong chuyến thăm một điểm tiêm chủng ở Florida hồi tháng 6.
Váy hoa hãng Tom Ford bà mặc trong tiệc tối với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và phu nhân Mariko cũng từng được sử dụng trong Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh hồi đầu tháng 7.
Còn chiếc váy chấm bi hiệu Brandon Maxwell mà Jill Biden mặc trong lễ khai mạc Olympic, cũng như chiếc váy Michael Kors trắng bà mặc ở Tokyo phối cùng áo khoác đồng phục đội tuyển Mỹ, đều từng xuất hiện trong chuyến công du tới Anh dự hội nghị G7 cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Những bộ đồ bà mặc lại có vẻ không phải vấn đề lớn, nhưng thực tế, từ đầu thế kỷ 21 tới nay, các đệ nhất phu nhân Mỹ hầu như không mặc lại đồ cũ mỗi lần xuất hiện trước công chúng trong các sự kiện quan trọng.
Jill Biden nổi tiếng là một "người chơi bất đắc dĩ" trong trò chơi thời trang của các đệ nhất phu nhân Mỹ, bởi bà từng tâm sự rằng "rất ngạc nhiên về số người bình luận những thứ tôi mặc".
Bà không theo đuổi chiến lược ngoại giao thời trang như Michelle Obama, người thường diện đồ của một nhà thiết kế làm cầu nối giữa Mỹ và nước sở tại mỗi chuyến công du, hay Melania Trump, người theo đuổi chiến thuật thời trang cao cấp kết hợp giữa sàn diễn thời trang và thực tế chính trị.
Nhu cầu liên tục thể hiện hình ảnh mới mẻ bằng các loại trang phục, dù là trên thảm đỏ, lễ tiếp đón cấp nhà nước hay sự kiện cấp quốc gia, đã củng cố văn hóa thời trang dùng một lần. Theo Friedman, đây là thứ văn hóa khiến nhiều người cảm thán vì quá nhiều đồ thừa, cũng như truyền bá thông điệp mỗi lần ra ngoài đều nên diện đồ mới.
Jill Biden đã phá vỡ truyền thống này khi mặc lại trang phục trong tủ đồ, cũng giống như cách bà tiếp tục sự nghiệp giảng dạy sau khi vào Nhà Trắng. Nhưng bà không chối bỏ thời trang, bởi mỗi bộ đồ bà mặc đều từng xuất hiện trong tuần lễ thời trang New York, đều mang nhãn hiệu Mỹ. Thông qua những trang phục của mình, bà đang làm nhiệm vụ quảng bá doanh nghiệp trong nước ra toàn cầu.
Khi mặc lại trang phục, bà đang nhấn mạnh giá trị của chúng, truyền thông điệp nếu tìm được bộ đồ ưa thích, bộ đồ khiến bạn cảm thấy nó gây ảnh hưởng tích cực và thể hiện bản thân tốt nhất, hãy giữ lại nó, bởi nó sẽ mang lại cảm giác như vậy trong lần mặc tiếp theo. Đó là món đồ đáng giá để đầu tư dài hạn, mang lại giá trị bền vững, không phải món đồ dùng một lần.
Có thể những bộ đồ bà mặc ở Tokyo chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, bởi Đệ nhất phu nhân Mỹ quá bận rộn, không có nhà tạo mẫu riêng nên không có nhiều thời gian suy nghĩ sẽ mang theo trang phục gì trong valy quần áo khi tới Nhật. Nhưng vì đây là chuyến công du nước ngoài một mình đầu tiên của Đệ nhất phu nhân Mỹ, nghĩa là bà sẽ thu hút rất nhiều sự chú ý, nên khả năng này khó xảy ra, Friedman nhận định.
Do Covid-19 ở Tokyo diễn biến phức tạp nên người hâm mộ không thể tới sân vận động xem thi đấu, nghĩa là bà Biden sẽ trở nên nổi bật trong đám đông không phải khán giả. Có thể người ta không nghe thấy bà nói gì, nhưng chắc chắn sẽ nhìn thấy bà mặc gì.
Phong cách thời trang "có gì dùng nấy" của Jill Biden đã được thể hiện rõ ràng trong các sự kiện suốt 100 ngày đầu cầm quyền của chồng, nó cũng phản ánh chương trình nghị sự tập trung vào biến đổi khí hậu mà Tổng thống Biden đề ra, nhưng vai trò của bà trong chương trình nghị sự ấy càng rõ nét hơn qua chuyến đi Tokyo lần này, Friedman nhấn mạnh.
Hồng Hạnh (Theo New York Times)