Trả lời:
Mắt hột là bệnh khá phổ biến ở nước ta, thường gặp ở nơi có dân cư sống đông đúc, nhà cửa chật hẹp, thiếu vệ sinh. Bệnh do vi khuẩn chlamydia trachomatis gây nên, làm tổn thương viêm mắt ở phần kết mạc và giác mạc, trường hợp nặng có thể gây biến chứng mù lòa, lông xiêu, lông quặm, khô giác mạc, loét giác mạc, tắc đường nước mắt (tắc lệ đạo), giảm thị lực.
Bệnh có thể lây từ mắt này sang mắt khác do dùng ngón tay, vạt áo để dụi mắt hoặc lây từ người này sang người khác do dùng chung khăn mặt và chậu rửa mặt. Ngoài ra, ruồi là vật trung gian truyền bệnh, khi ruồi đậu vào mắt trẻ bị đau mắt hột rồi mang tiết tố sang mắt trẻ lành gây nên bệnh đau mắt hột. Bệnh có thể lây truyền ở những nơi có nhiều người sống tập trung như trong gia đình, nhà trẻ, trường học...
Người bị đau mắt hột thường có những biểu hiện: ngứa mắt, chảy nước mắt, có khi có cảm giác cộm mắt, khi ngủ dậy thường có ghèn làm hai mi hơi dính vào nhau, đôi khi nhìn lên thấy hơi chói. Nếu lộn mi mắt lên để quan sát sẽ thấy kết mạc mi không mịn bóng, trong suốt như bình thường mà xù xì, đỏ tươi, che khuất các hệ thống mạch máu. Các hột xuất hiện lúc đầu nhỏ, sau lớn dần, những hột gần nhau có thể dính vào nhau, khi hột trưởng thành có màu trắng đục lờ như thạch và dễ vỡ, khi vỡ sẽ tiết ra một chất nhày trong đó có rất nhiều vi khuẩn gây bệnh, đây là thời kỳ bệnh dễ lây lan nhất.
Muốn phòng bệnh mắt hột, phải nâng cao ý thức vệ sinh phòng bệnh, cải thiện môi trường sinh hoạt, vệ sinh phân, nước, rác, diệt các vật trung gian truyền bệnh. Không nên tắm ở các ao, hồ, đầm. Dùng nước sạch để rửa mặt; không dùng chung khăn mặt và chậu rửa mặt. Khăn mặt dùng xong phải giặt sạch và đem phơi dưới ánh nắng mặt trời; không phơi khăn chồng chéo lên nhau ở những chỗ đông người như nhà trẻ, trường học...
Khi bị bệnh, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời hoặc có thể nhỏ dung dịch sunpaxilum 20% ngày 3 lần, buổi tối tra mắt bằng mỡ tetracyclin 1% trong 2-3 tháng.
BS Kim Hoa, Sức Khỏe & Đời Sống