Những ngày qua, theo ghi nhận của VnExpress, trẻ nhiễm virus hô hấp hợp bào (RSV), điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng 30%, nhiều ca trở nặng. Tại TP HCM, trẻ sốt siêu vi, mắc bệnh hô hấp gia tăng.
Tại khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM và Hà Nội, số lượng trẻ em đến khám và nhập viện do các bệnh hô hấp cũng tăng 30% so với tháng trước. Trẻ nhập viện chủ yếu bị viêm mũi họng, viêm phế quản, phổi.
Gia đình chị Hà Thu (quận Phú Nhuận,TP HCM), có bé trai gần 1 tuổi bị sốt 5 ngày, thở rít, khó thở, chẩn đoán viêm phổi do phế cầu. Chị Hạnh Chi (quận Bình Thạnh, TP HCM), có con trai 6 tuổi mắc cúm và viêm phế quản, phải nhập viện điều trị.

PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ khám cho bệnh nhi tại BVĐK Tâm Anh, TP HCM. Ảnh: Nguyễn An
PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, thời tiết tại Hà Nội và TP HCM bắt đầu đổi mùa. Tại Hà Nội, thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm cao; còn TP HCM sự chênh lệch nhiệt độ rõ ràng, sáng lạnh trưa lại nắng nóng. Đây là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh hô hấp ở trẻ phát triển mạnh. Căn nguyên gây bệnh hô hấp ở trẻ là các virus theo mùa như cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV) và adeno virus. Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa tốt, hệ hô hấp bị ảnh hưởng theo thời tiết nên dễ nhiễm bệnh. Môi trường đông người như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học cũng góp phần khiến bệnh lây lan nhanh.
Một số virus như cúm mùa, adeno, RSV có đặc điểm lây lan nhanh, khi nhiễm khó phân biệt triệu chứng do đều có biểu hiện của viêm đường hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, ho...
Bệnh viện cũng ghi nhận trẻ có hiện tượng bội nhiễm virus kèm theo. Nhiều trường hợp trẻ nhập viện do viêm tiểu phế quản sau đó bội nhiễm viêm phế quản phổi, cần can thiệp khí dung, thở oxy, điều trị kháng sinh hoặc viêm phổi do vi khuẩn song không được điều trị kịp thời dẫn tới biến chứng nặng.
Do đó, các gia đình chú ý chăm sóc, phòng bệnh hô hấp cho trẻ khi giao mùa. Bố mẹ chú ý nâng cao thể trạng cho trẻ thông qua ăn uống; bổ sung đầy đủ tinh bột, chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất. Gia đình chú ý sử dụng nguồn nước sạch, thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; giữ vệ sinh răng miệng, mắt cho trẻ.
Nếu trẻ ho, gia đình dùng các loại thuốc giảm ho và đau họng dân gian như mật ong, hoa hồng bạch hoặc chanh hấp với đường. Bố mẹ có thể làm sạch và thông mũi cho trẻ bằng khăn và gạc mềm, dùng thuốc nhỏ mũi; bổ sung vitamin theo tuổi.

Trẻ em cần được tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Ảnh: Nguyễn An
Trẻ nên thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc sử dụng nước sát khuẩn tay nhanh sau khi vui chơi, đi vệ sinh, trước bữa ăn. Khi đến nơi đông người, gia đình cho trẻ đeo khẩu trang để phòng bệnh.
Các bề mặt, vật dụng có nhiều người sử dụng như đồ chơi, tay nắm cửa, mặt bàn... cần được khử trùng thường xuyên. Gia đình hướng dẫn trẻ không ngậm đồ chơi, hạn chế tụ tập đông người. Nếu trẻ bị ốm, trẻ nên được nghỉ học để điều trị và chăm sóc tốt hơn, tránh lây cho các trẻ khác.
Theo BS CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, hiện Việt Nam chưa có vaccine phòng các bệnh do virus adeno, RSV. Song phụ huynh có thể cho trẻ phòng các bệnh hô hấp nguy hiểm khác như cúm, viêm phổi giúp tăng khả năng "phòng bệnh chéo", giảm nhẹ triệu chứng và biến chứng của RSV, adeno virus nếu mắc phải, bằng vaccine 6 trong 1, vaccine phòng viêm phổi do phế cầu khuẩn, não mô cầu, bạch hầu - ho gà - uốn ván...
Hiện các vaccine này đang có đầy đủ tại 103 trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc. Toàn bộ vaccine được nhập khẩu chính hãng, bảo quản tốt, số lượng lớn, chất lượng cao, được ưu đãi giá thấp để tăng cơ hội tiêm chủng đầy đủ không chỉ cho trẻ em mà còn cho người lớn.
Chi Lê