
Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã chính thức được thành lập với vốn điều lệ 500 tỷ đồng và trực thuộc sự quản lý cũng như nhận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, VAMC sẽ mua lại nợ xấu theo giá trị sổ sách bằng trái phiếu đặc biệt từ tổ chức tín dụng. Về phương án này, không ít ý kiến cho rằng khi đó, nợ xấu (trên 3%) trên báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại sẽ trở nên sạch sẽ khi được chuyển sang cho VAMC theo dõi trong khi nợ thực tế vẫn bị "tạm treo".
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí bên lề phiên thảo luận của Quốc hội về quyết toán ngân sách ngày 25/5, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng nhận định này chưa đầy đủ. Theo ông, trong quy định, vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng phải xử lý nợ xấu. "VAMC, trên danh nghĩa, chỉ nắm giữ tài sản chứ không phải người đứng ra xử lý cụ thể. Muốn xử lý phải qua các công ty thẩm định giá đấu giá và bản thân tổ chức tín dụng cũng phải có trách nhiệm để không mất hết tài sản", Phó Thủ tướng cho biết.
Phần lớn tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu hiện nay là bất động sản. Theo Phó Thủ tướng, hiện thị trường địa ốc còn ảm đạm nên nếu vội vàng đem ra bán thì "giá rẻ như bèo". "Nhưng khi thị trường ấm lên, tình hình sẽ lại khác. Xử lý nợ xấu nói chung phải kết hợp nhiều yếu tố, rất khó chứ không phải dễ", ông phân tích. Đại diện Chính phủ cũng khẳng định, hiện các ngân hàng vẫn được khuyến khích đem tài sản thế chấp ra đấu giá dù chấp nhận lỗ để cùng góp phần xử lý nợ xấu.
Một trong những giải pháp để tạo nguồn vốn cho việc xử lý nợ xấu được nhiều chuyên gia đề cập là nới "room" cho nhà đầu tư ngoại tham gia các tổ chức tín dụng. Chia sẻ với VnExpress.net, bản thân nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng đã ngỏ ý muốn tăng "room" lên 49% và không ít nhà băng đã sử dụng hết mức trần được cho phép hiện nay. Cách đây vài ngày, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VAFI cũng đưa ra đề xuất tương tự.
Bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng vừa xây dựng và trình Chính phủ bỏ quy định yêu cầu mức sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một ngân hàng là 20% phải được sự chấp nhận của Thủ tướng. Ngoài ra, để thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, "room" cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể vượt trần với từng trường hợp được Thủ tướng quy định thay vì giới hạn cứng ở mức 30% như trước đây.
Trả lời báo chí về những kiến nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ đang tính toán bởi "còn nhiều yếu tố liên quan".
VAMC sẽ đi vào hoạt động từ ngày 9/7 và các ngân hàng có nợ xấu trên 3% sẽ buộc phải bán nợ xấu cho công ty này.
Thanh Bình - Thanh Lan