Trong thông cáo phát đi chiều 20/5, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên tiết lộ cơ chế hoạt động của Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC). Theo đó, VAMC là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. VAMC sẽ chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Vốn của VAMC được cấp từ nguồn vốn hợp pháp của Ngân hàng Nhà nước.
Theo dự kiến, ngay trong tháng 5, Đề án thành lập và Nghị định thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC sẽ được phê duyệt. Như vậy, công ty này có thể đi vào hoạt động trong quý II.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn từng kỳ vọng công ty này có thể xử lý được khoảng 100.000 tỷ nợ xấu, góp phần giúp khơi thông nguồn tín dụng đang tắc nghẽn. Tuy nhiên, ông Ngoạn cảnh báo công cụ này không phải "cây đũa thần" giải quyết mọi vấn đề của nền kinh tế.
Về cơ chế xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cho biết VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để mua lại nợ từ ngân hàng. Về phần mình, các nhà băng sẽ vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước chính nhờ những trái phiếu đặc biệt này. Trả lời Bloomberg cách đây vài ngày, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định sẽ buộc các ngân hàng có nợ xấu trên 3% phải bán nợ cho VAMC. Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, tỷ lệ nợ xấu được tính theo số liệu của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chứ không phải con số các nhà băng "tự báo cáo".
Trao đổi với báo chí với tư cách là Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc VAMC không trực thuộc Bộ Tài chính mà thuộc Ngân hàng Nhà nước thể hiện rất rõ chủ trương không dùng tiền ngân sách giải quyết nợ xấu. Ông Nghĩa tiết lộ: "Để tránh mất thời gian đàm phán hay trì hoãn, việc bán các khoản nợ sẽ tính theo giá trị sổ sách. Ngoài ra, tài sản này sẽ được gửi lại ngân hàng thương mại để quản lý hộ và thu phí". Việc này theo ông Nghĩa là để tránh phải thành lập một doanh nghiệp quản lý riêng gây tốn kém và có thể thiếu kinh nghiệm.
Nhiều ý kiến cho rằng cần tính đến nguy cơ lạm phát cho nền kinh tế một khi Ngân hàng Nhà nước "bơm" tiền cho các ngân hàng qua hình thức phát hành trái phiếu như trên. Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn phủ nhận khả năng này. Theo ông, khi "bơm" tiền, nhà điều hành chắc chắn phải tính đến một lượng lớn để "hút" vào để phù hợp với lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng: "Ngân hàng Nhà nước có thể cho vay (bơm ra) nhiều hay ít tùy thuộc vào mức lạm phát hiện tại. Nếu ngân hàng nào khó khăn quá mà buộc phải cho vay thì sẽ phải giảm hạn mức ở những ngân hàng đang thừa vốn khả dụng".
Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, các doanh nghiệp có nợ xấu bán cho VAMC sẽ được tiếp tục vay vốn của ngân hàng theo quy định hiện hành. Như vậy, động thái này sẽ giúp các doanh nghiệp đánh tan "cục máu đông" nợ xấu gây tắc nghẽn tín dụng. Cụ thể, nhà điều hành cho biết sẽ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giảm hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán; đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý khó khăn tài chính tạm thời... Ngoài ra, VAMC cũng sẽ có những đặc quyền đặc thù về pháp lý, chính sách thuế để đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản đảm bảo. "Khi đó, các nhà đầu tư sẽ được quyền tham gia vào quá trình này theo nguyên tắc thị trường dưới hình thức bán đấu giá", Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Chính phủ đã đề nghị cho VAMC miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm giúp công ty này đẩy nhanh tiên trình xử lý nợ xấu. Trong báo cáo thẩm tra ký ngày 9/5, Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đã đồng ý với đề xuất này.
Thanh Thanh Lan