Ông Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị phòng chống hạn mặn xâm nhập, bảo đảm sản xuất nông nghiệp, dân sinh ở 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre, ngày 3/1.
Phó thủ tướng nhận định hạn mặn năm nay diễn biến phức tạp, dự đoán khắc nghiệt hơn các năm, nhưng các địa phương và ngành nông nghiệp đã chủ động đối phó với kịch bản cực đoan nhất ngay từ đầu.
"Dù vậy, các địa phương vẫn không được chủ quan, phải bảo đảm đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt với tinh thần không một người dân nào thiếu nước", Phó thủ tướng nói sau khi đi tham quan mô hình túi trữ nước ngọt và máy lọc nước mặn tại địa phương. Đây là các sản phẩm vừa được một số doanh nghiệp sản xuất để bán cho người dân trong đợt hạn mặn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mùa mưa năm 2019 trên lưu vực sông Mekong xuất hiện muộn. Tổng thời gian mưa ngắn, lượng mưa khoảng 1.240 mm, thấp hơn các năm trước 8%.
Dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, xuống ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm. Mực nước tại trạm Kratie (Campuchia) từ đầu tháng 11 đến nay thấp hơn gần 2,33 m so với các năm trước.
Dự báo trong hai tháng đầu năm, lưu lượng nước tại trạm Kratie thấp hơn gần 35% so với các năm. Dung tích nước trữ tại Biển Hồ Tonle Sap hiện khoảng 5,1 tỷ m3, thấp hơn các năm trước 15,7 tỷ m3, không còn bổ sung cho hạ du.
Xâm nhập mặn đã xuất hiện mức cao đột biến từ giữa tháng 12, do đợt triều cường và gió Đông Bắc cường độ mạnh. Độ mặn trên các sông lớn cách cửa biển 57 km là bốn phần nghìn, xa hơn năm 2016 khoảng 17 km.
Dự báo, hạn mặn tác động đến 10/13 tỉnh miền Tây (trừ Đồng Tháp, Cần Thơ và An Giang). Hiện toàn vùng có trên 1,5 triệu ha lúa Đông Xuân đã xuống giống, trong đó 330.000 ha có khả năng bị ảnh hưởng. 130.000 ha cây ăn quả sẽ bị hạn mặn tác động, chiếm 40% tổng diện tích toàn vùng. Ngoài ra, 150.000 hộ dân sẽ thiếu nước sinh hoạt, giảm 90.000 hộ so với đợt hạn mặn lịch sử bốn năm trước.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Chính phủ đã hỗ trợ ngân sách, cùng với các địa phương, doanh nghiệp, quốc tế cung cấp trên 20.000 bồn trữ nước ngọt cho các hộ dân. Mở rộng hơn 1.600 km đường ống cấp nước, khoan thêm hàng chục giếng để bổ sung cho các công trình cấp nước.
Nếu kịch bản hạn mặn xảy ra như năm 2016, Bộ yêu cầu các địa phương dùng xe bồn lưu động chở nước ngọt đến vùng sâu, ven biển; đầu tư bồn, túi nhựa dẻo trữ nước và máy lọc nước mặn tại các các điểm tập trung cho người dân sử dụng. Bộ cũng khuyến khích người dân tự tính toán lượng nước cần thiết chia theo đầu người ở mỗi gia đình để chủ động trữ nước ngọt đủ dùng qua mùa khô hạn.
Về lâu dài, ngành nông nghiệp đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng các hồ trữ nước ngọt, đập tạm ngăn mặn; đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động; ưu tiên nguồn lực hoàn thiện khép kín hệ thống thủy lợi, nạo vét các kênh; khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; đàm phán, đấu tranh để các quốc gia có hồ chứa thủy điện lớn xả nước xuống hạ du...
"Đối với các công trình cống, đập ngăn mặn đang thi công, cần nhanh chóng hoàn thành các hạng mục cơ bản để có thể sử dụng ngay trong mùa hạn mặn này", ông Nguyễn Xuân Cường nói.
Hoàng Nam