Tình trạng xâm nhập mặn đã và đang diễn biến phức tạp tại Đồng bằng sông cửu Long, đe dọa ảnh hưởng lớn đến sản xuất và cuộc sống của người dân. Ngoài một số công trình ngăn nước biển tấn công đã hoàn thành, một số dự án đang triển khai với quy mô lớn.
Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp (Ba Tri, Bến Tre) hoàn thành, đưa vào sử dụng bốn tháng trước. Đây hiện là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Tây, dài gần 5 km, rộng 40-100 m, vốn là con kênh đào từ thời Pháp bị lấp hai đầu. Hồ có sức chứa gần một triệu m3 nước, đủ sức phục vụ sinh hoạt cho khoảng 200.000 người tại 24 xã, thị trấn trên địa bàn.
Dự án khởi công năm 2017, đi qua ba xã Tân Xuân, Phước Tuy và Phú Ngãi, cung cấp đủ nước ngọt cho sản xuất công nghiệp và trồng trọt, với tổng kinh phí khoảng 85 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương và địa phương. Hiện tại, hồ cung cấp nước ngọt cho khoảng 500 hộ dân của năm xã; đến năm sau, đường ống được mở rộng sẽ cung cấp cho khoảng 5.000 hộ dân.
Huyện Ba Tri có tổng đàn bò trên 100.000 con, lớn nhất tỉnh. Địa phương này còn có 12.000 ha đất trồng lúa ba vụ. Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, Ba Tri có trên 8.000 ha lúa bị thiệt hại, chiếm khoảng 80% diện tích vụ đông xuân. Người dân phải mua rơm và nước ngọt với giá cao cho bò ăn, uống.
"Kịch bản xấu nhất là nếu hạn mặn tiếp tục kéo dài những tháng tới, hồ Kênh Lấp vẫn đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt và trồng trọt cho người dân trên địa bàn", ông Hồ Văn Thương, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ba Tri nói.
Dự án Quản lý nước tại Bến Tre với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Nhật Bản, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư, cũng đang được triển khai. Theo đó, tám cống và một trạm bơm sẽ được xây dựng tại sáu huyện và TP Bến Tre.
Khi hoàn thành, công trình sẽ ngăn triều cường và ứng phó với nước biển dâng, kiểm soát mặn cho trên 200.000 ha đất tự nhiên thuộc chín huyện và TP Bến Tre. Đồng thời phục vụ chủ động lấy nước, tiêu nước, đón phù sa, tháo chua, rửa phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản cho khoảng 100.000 ha đất; chiếm hơn 2/3 diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Dự kiến, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng trong sáu năm tới.
Dự án ngăn sông Cửa Trung (Tiền Giang) làm hồ nước ngọt gần 900 tỷ đồng. Dự kiến, hồ chứa rộng 200-400 m, dài hơn 14 km, hai đầu sẽ đặt hai cống đập ngăn sông Cửa Trung - một nhánh dài 20 km, nằm giữa sông Cửa Đại và Cửa Tiểu. Công trình sẽ đảm bảo nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nước cho sinh hoạt hơn 44.000 dân huyện Tân Phú Đông vào mùa hạn mặn.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn và thủy lợi cho biết, vụ Đông Xuân này, tỉnh Tiền Giang có 60.000 ha lúa, 10.000 ha hoa màu và 80.000 ha cây ăn trái. Hiện nước mặn đã xâm nhập từ cửa biển vào các con sông lớn khoảng 48 km. Để đối phó, địa phương chủ động đóng các cống ngăn mặn từ sớm, nên hiện tại mặn vẫn chưa xâm nhập vào nội đồng.
"Chúng tôi cùng ngành chức năng khuyến cáo người dân gieo sạ lúa ngoài theo lịch thời vụ, chủ động trữ nước ngọt", ông Pháp nói và cho biết trường hợp cấp bách, địa phương sẽ cấp phát thùng chứa, đồng thời khẩn cấp khoan các giếng lớn phục vụ đời sống, sản xuất.
Theo ông Pháp, nếu dự án đắp đập hai đầu sông Cửa Trung được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Chính phủ phê duyệt, sẽ thi công đưa vào sử dụng sau sau năm và là hồ trữ nước ngọt ven biển lớn nhất miền Tây.
Cống âu thuyền Ninh Quới trên kênh Quản lộ Phụng Hiệp (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) đã cơ bản hoàn thành, đưa vào vận hành, giúp bảo toàn cho ít nhất 40.000 ha đất nông nghiệp của địa phương trong vụ Đông Xuân.
"Cống đưa vào sử dụng sớm đã kịp thời trữ nước ngọt từ Hậu Giang, Sóc Trăng chuyển về và ngăn nước mặn từ biển tràn vào", ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu nói.
Công trình được khởi công cuối tháng 11/2018, dự kiến đưa vào vận hành vào mùa khô 2020-2021. Tuy nhiên, do hạn mặn năm nay đến sớm hơn một tháng nên chủ đầu tư yêu cầu đơn vị thi công tập trung tối đa để đưa vào khai thác trước một năm, ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (đại diện chủ đầu tư) nói.
Dự án gồm hai phần sửa chữa cống Ninh Quới và xây cống âu thuyền Ninh Quới với tổng vốn đầu tư 360 tỷ đồng. Theo thiết kế, công trình có hai cống hở ở hai đầu và buồng âu thuyền dài 150 m; rộng thông nước hơn 31 m; cửa van bằng thép không gỉ, đóng mở bằng xi-lanh thủy lực. Cầu giao thông trên cống gồm một nhịp giữa và 8 nhịp biên, rộng 5,5 m.
Cống Ninh Quới sẽ giúp chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho hàng trăm nghìn ha lúa, rau màu ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang; góp phần điều tiết, bổ sung nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản tại phía Bắc quốc lộ 1A, tỉnh Bạc Liêu. Về lâu dài, công trình sẽ chuyển nước ngọt phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Nam quốc lộ 1A; ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đây là dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch xây dựng thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được xây dựng tại Châu Thành, Kiên Giang đầu tháng 11. Theo thiết kế, cống sông Cái Lớn có chiều rộng thông nước 455 m, gồm 11 khoang và âu thuyền rộng 15 m. Cống sông Cái Bé có chiều rộng thông nước 85 m, gồm hai khoang và âu thuyền rộng 15 m. Cửa van cống, âu thuyền bằng thép, vận hành bằng xi lanh thủy lực. Trên cống có cầu giao thông; đê nối hai cống với quốc lộ 61 dài hơn 5,7 km, mặt đê 9 m, phần xe chạy 7 m.
Công trình được đầu tư 3.300 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý, dự kiến xong cuối năm 2021.
Nhiệm vụ của dự án là kiểm soát, điều tiết nguồn nước (mặn, lợ, ngọt) cho 384.000 ha ở Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu. Trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản gần 350.000 ha. Công trình sẽ góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển Kiên Giang. Ngoài ra, dự án còn giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô; phòng chống cháy rừng, tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, cải tạo đất phèn; kết hợp phát triển giao thông thủy...
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang cho biết, hiện nước mặn đã xâm nhập sâu trên sông Cái Lớn hơn 50 km. Hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Địa phương đang cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng để trữ nước ngọt và gia cố bờ bao, đắp đập tạm để ngăn mặn, bảo vệ mùa màng.
"Việc xây cống ngăn mặn Cái Lớn - Cái Bé là cấp bách. Dự án hoàn thành sẽ giúp chủ động nguồn nước, sản xuất ổn định cho 160.000 ha đất vùng bán đảo Cà Mau", ông Tâm nói.
Là vùng được lợi từ dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cho rằng, dự án nằm trong tiền đề xây dựng quy hoạch chung hệ thống thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững khu vực này thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm 2016, đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử tại Đồng bằng sông Cửu Long khiến 600.000 người dân thiếu nước sinh hoạt và 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng.
Hoàng Nam - Cửu Long