Bốn tiếng đồng hồ không phải là một thời lượng dài. Nhưng nhiều người tham dự chung nhận xét trong khoảng thời gian đó, Diễn đàn chuyên đề Vốn – tài chính sáng 21/8 đã cung cấp một một lượng thông tin khổng lồ, nhiều điểm gợi mở mới về vấn đề vốn trung và dài hạn của Việt Nam.
Cất tiếng nói tại Diễn đàn, từ đại diện Chính phủ là Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đến các tổ chức trong và ngoài nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ đều thẳng thắn nêu những điểm hạn chế của thị trường, đưa ra những giải pháp thậm chí có phần táo bạo.
Việt Nam đang thiếu vốn dài hạn như thế nào?
Trong bài tham luận đầu tiên với nội dung chỉ ra thực tiễn của thị trường vốn, ông Fiachra MacCana - Giám đốc điều hành trách nhiệm Khối Khách hàng tổ chức và nghiên cứu, Công ty CT Chứng khoán TP HCM (HSC) cho biết mình đã mất hai tuần chỉ để chuẩn bị slide minh họa cho sự thiếu vốn của thị trường Việt Nam.
Ông đưa ra nhiều số liệu cho thấy ngành ngân hàng Việt Nam đang thiếu vốn. Nhiều ngân hàng có hệ số an toàn vốn CAR theo chuẩn Basel 1 năm 2017 từ 10 đến 16%, gây khó khăn trong việc áp dụng chuẩn Basel 2.
Vay thế chấp từ 2015 đến 2017 tăng từ 24,6 lên 43,8 tỷ USD nhưng tỷ trọng so với GDP hiện chỉ ở 19,6%. Đây là tỷ lệ thấp nếu so với các nước lân cận như Malaysia (42,4%), Thái Lan (46,8%), Singapore (54,2%). Trong khi đó, vốn dài hạn chính là giải pháp để các ngân hàng nâng vốn để hạn chế tình trạng vốn mỏng, đồng thời có khả năng cung cấp các giải pháp để có gói vay dài hơn.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đồng quan điểm và cho rằng, thị trường tài chính trong những năm qua chưa phát triển đúng theo mong muốn. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp thấp, chỉ chiếm 1,25%. Trong khi quy mô trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm chủ yếu. Đây đều là nguồn vốn ngắn hạn nên khi nhu cầu vốn vay trung dài hạn lớn sẽ tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng. Hiện tỷ trọng vốn ngắn hạn chiếm 70%.
Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong những năm qua đã chú trọng khắc phục 2 điểm này và đã thu được những thành quả nhất định.
Đại diện HSC đưa ra dự báo vấn đề vốn dài hạn của Việt Nam sẽ được giải quyết trong khoảng 20 năm nữa, khi đó Việt Nam sẽ xây dựng được khoản vay dài hạn lớn, dựa vào nhiều công cụ ví dụ quỹ hưu trí tư nhân, trái phiếu.
Để làm được điều đó, chúng ta phải bắt đầu từ bây giờ, thông qua các biện pháp như đào tạo, phát triển quỹ tư nhân, gia tăng sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài, thành lập quỹ lưu ý không có quyền biểu quyết của nhà đầu tư nước ngoài... "Ngay bây giờ chúng ta thực hiện những sáng kiến này thì con cháu chúng ta khoảng 20-30 năm nữa sẽ được hưởng thành quả", ông Fiachra MacCana nói.
Thiếu vốn, tín dụng đen bủa vây doanh nghiệp vừa và nhỏ
Khái niệm "tín dụng đen" được nhiều diễn giả nhắc đến tại Diễn đàn như một trong những hệ quả của việc thiếu vốn, nhất là với tầng lớp doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc Công ty CP tái cấu trúc doanh nghiệp Việt đưa ra con số mà ông cho rằng nhiều người sẽ phải giật mình, rằng có những doanh nghiệp sử dụng tín dụng đen với tỷ trọng lên tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh.
Ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia thừa nhận có tình trạng dùng nguồn vay từ tín dụng đen trả nợ ngân hàng.
Nên hay không nên hợp thức hóa "tín dụng đen"?
Vấn đề hợp thức hóa tín dụng đen để tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp được xem là giải pháp táo bạo mà ông Nguyễn Kim Hùng nêu ra tại Diễn đàn.
Ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia và ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm CEO KPMG tại Việt Nam và Campuchia chung quan điểm cho rằng tín dụng đen không hẳn xấu vì nó là nguồn cấp vốn cho người có nhu cầu vay. Ông Tuấn cho rằng, đối với thế giới, tín dụng đen đã tồn tại từ rất lâu dưới dạng cũng hoạt động như ngân hàng nhưng không được công nhận.
Ông Tuấn cho rằng cần có cách tiếp cận với tình trạng này, đó là làm sao hợp thức hoá được tín dụng đen, cơ quan thuế cần có bằng chứng ở mức độ hợp lý, phải nghiên cứu sử dụng dịch vụ về thuế, đơn cử thuế tư nhân...
Vấn đề này thu hút sự chú ý của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khi ông hỏi các chuyên gia nước ngoài về kinh nghiệm xử lý của các nước. Trả lời về vấn đề này, chuyên gia Ngân hàng Thế giới - ông A. Alatabani gợi mở giải pháp bằng các gói sản phẩm tín dụng khác nhau cho thị trường. Ông này cho biết hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể tiếp cận vốn ngân hàng. Vì vậy, các gói sản phẩm như thuê mua tài sản có thể là kênh để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận khoản vay; hoặc công cụ khác như Fintech.
Trong bài phát biểu kết thúc diễn đàn, Phó thủ tướng nhận định những hình thức tín dụng đen theo đúng nghĩa của nó thì phải chống, phải xóa bỏ với các hình thức như đa cấp theo tính chất lừa đảo, cho vay nặng lãi, trục lợi. Đối với hình thức tín dụng có sự công khai nhất định, có sự gặp nhau giữa cung và cầu như nhiều diễn giả dùng từ "không chính thức", Phó thủ tướng cho biết Chính phủ muốn hiểu rõ hơn để giải quyết bài toán này theo phương diện quốc tế giải quyết như thế nào. Ông đề cập đến một số mô hình như kinh tế chia sẻ, cho vay ngang hàng, vi mô, Fintech, cho thuê tài sản... "Thực tế hiện nay đã có rồi thì chúng ta cần nghiên cứu để có công cụ quản lý, phát triển hình thức này".
Lời giải cho bài toán vốn dài hạn: Nâng cao vai trò của định chế phi ngân hàng
"Mất cân bằng", "mất cân đối", đó là từ của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khi nhận xét về thị trường vốn trong hai bài phát biểu khai mạc và kết thúc sự kiện. Lý do, theo ông, đó là dù thị trường chứng khoán và các thể chế phi ngân hàng có nỗ lực phát triển tích cực, tín dụng ngân hàng hiện vẫn giữ vai trò quan trọng, chủ đạo trong nền kinh tế.
Để giải quyết bài toán này, Phó thủ tướng đồng ý với những ý kiến của các diễn giả rằng cần nâng cao vai trò của các định chế phi ngân hàng.
Một trong những thể chế phi ngân hàng đã quen thuộc với nhiều nhà đầu tư là thị trường cổ phiếu. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital cho rằng từ 2014 đến nay, thị trường cổ phiếu với nhiều khởi sắc. Theo ông, đây là cách hữu hiệu để tăng nguồn vốn dài hạn và là động lực để khuyến khích các nhà đầu tư tập trung vào thị trường trái phiếu.
Bên cạnh đó, một số công cụ khác cũng được nhắc đến như mô hình các quỹ, trong đó có quỹ hưu trí.
Tiến sĩ Võ Trí Thành đặt câu hỏi tại sao được xem là một trong những nguồn lực quan trọng cho vốn dài hạn, cho đến nay hầu như chưa có quỹ hưu trí nào ở Việt Nam. Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Thái Thuận - Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Quản lý quỹ VinaWealth cho biết từ 2013 các công ty bảo hiểm nhân thọ đã có sản phẩm hưu trí tự nguyện, một số công ty quản lý Quỹ đều đã có cơ chế về sản phẩm, song Việt Nam lúc này vẫn chưa có Quỹ hưu trí tự nguyện thật sự bởi 3 lý do là ưu đãi thuế chưa hấp dẫn; hiểu biết về loại hình sản phẩm chưa cao và nhà đầu tư chưa quen với việc đầu tư 20 đến 40 năm.
Một giải pháp phi ngân hàng khác chưa được các diễn giả bàn tới nhưng được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ra trong bài phát biểu kết thúc diễn đàn là các công cụ phái sinh. Ông nhận định: "Công cụ phái sinh trong thị trường ngoại hối sẽ giúp chúng ta đỡ được những áp lực trong vấn đề tỷ giá, trong điều kiện lãi suất thế giới biến động phức tạp".
Ngoài ra, thị trường trái phiếu sắp tới sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong nền kinh tế, gồm trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Phó thủ tướng khẳng định sẽ sớm có lộ trình để thành lập các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín, gia tăng mức độ hấp dẫn của sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp như đề xuất của nhiều diễn giả.
Với chủ đề "Mở rộng thị trường vốn – tài chính Việt Nam, thách thức và giải pháp", Diễn đàn chuyên đề vốn - tài chính kéo dài trong 3 tiếng với hai phiên thảo luận, đặt mục tiêu tìm ra giải pháp tái cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam, tận dụng các dòng tiền nhàn rỗi trong khu vực tư nhân để thúc đẩy kinh tế... Đây là sự kiện thứ hai trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economic Forum - ViEF) kéo dài đến tháng 12 do VnExpress phối hợp tổ chức cùng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân. Sự kiện có sự tham gia của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ; Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Bên cạnh đó còn có đại diện Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, Đại sứ Australia tại Việt Nam - ông Craig Chittick, Đại sứ Israel tại Việt Nam - ông Nadav Eshcar, đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam - ông Kim Do Hyon, các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm, các chuyên gia về vốn, tài chính, công nghệ... trong nước và quốc tế. Chương trình có sự đồng hành cùng các đối tác bao gồm nhà tài trợ Vàng Ngân hàng TMCP An Bình; Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam; nhà tài trợ Bạc Công ty cổ phần tái cấu trúc doanh nghiệp Việt (Verco); nhà tài trợ Đồng Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành Phố Hồ Chí Minh (HSC). Các đơn vị hợp tác truyền thông bao gồm Tạp Chí Tài Chính, Đài truyền hình VITV, báo Dân Trí, công ty TNHH Rich Media, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Thời Báo Ngân Hàng, CafeF, Báo Đầu tư điện tử, Đài Truyền hình VTC2. |