Văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng các cơ quan được giao rà soát kỹ danh mục nhiệm vụ, dự án để đảm bảo nguyên tắc bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đầu tư vào một số dự án trọng điểm có sức lan toả và cấp bách để hoàn thành sớm, tạo ra không gian, động lực mới.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh quan điểm không bố trí dàn trải, chia đều, manh mún, không đưa vào danh mục các dự án chưa đúng quy định.
Trước yêu cầu này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ danh mục các nhiệm vụ, dự án đã đề xuất và chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng, Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm toán về danh mục dự án, tính chính xác về thông tin, số liệu báo cáo.
Trường hợp mức vốn được bố trí thấp hơn dự kiến tổng mức đầu tư, đơn vị đề xuất dự án phải cam kết bố trí số vốn còn thiếu để đảm bảo hoàn thành dự án. Còn nếu dự án thay đổi thông tin, số liệu so với báo cáo Chính phủ trước đây, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị giải trình rõ lý do.
Danh mục được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị rà soát lại hồi đầu tháng 4 có 393 nhiệm vụ, dự án. Con số này tăng 127 dự án so với các báo cáo gửi Chính phủ trước đó. Số lượng dự án, nhiệm vụ tăng nhưng tổng vốn đầu tư không đổi so với lần đề xuất trước, gần 310.000 tỷ đồng, trong đó vốn đề xuất bố trí từ chương trình phục hồi kinh tế là 135.600 tỷ đồng.
Phần lớn trong danh mục này là các dự án nâng cấp, cải tạo, mua sắm trang thiết bị y tế tại địa phương hay các dự án giao thông kết nối liên tỉnh và giao thông trọng điểm quốc gia.
Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội trong 2 năm tới được Quốc hội thông qua đầu năm nay với tổng giá trị khoảng 350.000 tỷ đồng. Chương trình có 5 giải pháp chính, gồm mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư, nâng cao năng lực y tế phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ đầu tư công và phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; và cải cách thể chế, cải cách hành chính, môi trường kinh doanh.