Chhurpi (hay Durkha) được biết đến là một trong những loại phô mai cứng nhất thế giới, và có thể nhai trong hai tiếng như kẹo cao su. Đây là món ăn sinh tồn của nhiều cộng đồng người Nepal sống ở các khu vực xa xôi trong nhiều thế kỷ.
Chhurpi được làm từ sữa bò Tây Tạng, hoặc chauri (một giống bò lai) và có hai loại: mềm - cứng. Loại mềm thường được dùng như một món ăn kèm với cơm, làm nhân bánh bao truyền thống hoặc bỏ vào trong súp. Nhưng loại phô mai cứng mới là thứ khiến nó trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Loại này được ví như đá, thậm chí thực khách không thể cắn trực tiếp từ miếng lớn. Và bạn phải mất hàng giờ để nhai được một miếng nhỏ bằng đầu hai ngón tay.
Chhurpi mềm được làm bằng cách đun nóng sữa đến khoảng 24,4 độ C sau đó tách bơ sữa và tiếp tục đun sôi. Khi phần phô mai trắng bắt đầu được hình thành, người ta lấy phần đó bọc trong một miếng vải mỏng, treo lên để thoát nước tối đa.
Với phiên bản cứng, người ta sẽ bọc phô mai mềm trong túi sợi đay, ép để loại bỏ hết phần nước còn lại. Sau đó, chúng được cắt thành các khối nhỏ hơn, treo ngoài trời hoặc trên lò nướng củi để cứng hơn. Ở thành phẩm này, chhurpi cứng khó thể dùng răng để cắn. Nó cứng như một tảng đá. Vì vậy, bạn cần phải làm mềm nó trước khi nhai. Hầu hết mọi người ngậm viên phô mai nhỏ trong miệng hàng giờ. Và điều đáng kinh ngạc chính là phô mai vẫn giữ được hương vị của nó trong suốt thời gian đó.
Việc nhai một viên chhurpi nhỏ này vô cùng có ý nghĩa với người dân Nepal, vì chhurpi cung cấp một lượng protein cao, giúp họ có thể tồn tại trong môi trường miền núi khắc nghiệt. Vì vậy, trong nhiều thế kỷ qua, nó là một phần quan trọng của nền văn hóa nơi đây. Du khách khi đến Nepal có thể tìm thấy loại phô mai này bày bán ở nhiều khu chợ, với giá khoảng 5 xu một viên nhỏ.
Anh Minh (Theo We All Nepali)