Tại tọa đàm "Cải tiến kỹ năng lao động - chìa khóa bứt phá sản xuất trong đại dịch" hôm 28/9, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng phòng Đào tạo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM - bày tỏ nhiều quan điểm liên quan đến chuyển đổi số và gợi ý các mô hình đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất lao động.
Theo ông, không phải do Covid-19 bùng nổ toàn cầu người ta mới nhận thấy tác động mạnh mẽ của làn sóng cách mạng công nghiệp thứ tư tác động đến mọi khía cạnh nền kinh tế, nhất là vẫn đề lao động. Vài năm qua, ai cũng nhận thức rõ sự cạnh tranh gay gắt giữa taxi truyền thống và hãng xe công nghệ... Các ứng dụng công nghệ cũng dần quen thuộc với người dân.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử kéo theo sự phát triển của các dịch vụ thanh toán trực tuyến, kỹ thuật số, ví điện tử... Từ đó tạo triển vọng hình thành những ngân hàng hoàn toàn trên internet. Tất cả giao dịch cá nhân, đầu tư, tiết kiệm... đều có thể xử lý trực tuyến. Xa hơn, sự phát triển của người máy, trí thông minh nhân tạo dần thay đổi vai trò của người lao động trong dây truyền sản xuất và công nghệ nhà máy.
"Chính phủ Việt Nam đã nhận định mọi tình huống và đón đầu quá trình chuyển đổi số. Đại Hội lần thứ 13 của Đảng cũng nhấn mạnh một trong các động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế thời gian tới là dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tôi cho rằng đó là quyết sách đúng đắn vì nó khiến các ngành nghề quyết liệt chuyển đổi số", Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo nói.
Theo ông, bên cạnh hậu quả nghiêm trọng do Covid-19, cần nhìn nhận yếu tố tích cực là bản thân mỗi người buộc phải thay đổi. Các cơ sở giáo dục có thể khơi gợi tư duy đổi mới, tạo kỹ năng cho người học để họ tiếp xúc và vận hành công nghệ. Xa hơn, doanh nghiệp có thể chuyển đổi mô hình truyền thống sang hình thức sản xuất mới, dựa trên sáng tạo, ứng dụng máy móc hiện đại vào mọi quy trình.
"Tôi cho rằng sự chuyển động đó góp phần tăng năng suất lao động, kinh tế Việt Nam có thể phát triển theo chiều sâu hơn là chiều rộng như hiện nay", ông Quốc Bảo nói.
Trước đó, nhiều lãnh đạo Bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức lẫn doanh nghiệp đều nhận định chuyển đổi số là "cứu tinh" của kinh tế toàn cầu trong bối cảnh Covid-19 phủ bóng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nhìn theo hướng tích cực, đại dịch cũng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất và phát triển ổn định nhờ ứng dụng công nghệ.
Ở tọa đàm CTO Talks hồi tháng 5, các lãnh đạo công nghệ cho rằng, trong chuyển đổi số, dữ liệu quý như vàng nhưng doanh nghiệp Việt Nam mới sử dụng được 1% nguồn tài nguyên này.
Ông Nguyễn Lộc Vũ - CTO của VnExpress - cho biết: "Chuyển đổi số là xu thế bắt buộc chứ không phải trào lưu, không chỉ nâng cao hiệu suất, tối ưu chi phí, tăng vị thế cạnh tranh mà còn giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng thích ứng trong tương lai. Nếu có bất kỳ biến động nào xảy ra, doanh nghiệp không chuẩn bị thích ứng kịp sẽ bị đẩy đến bờ sụp đổ".
Để khai thác tối ưu nguồn dữ liệu, người đứng đầu doanh nghiệp phải phân biệt được sự khác nhau của khái niệm số hóa và chuyển đổi số. Bản thân việc số hoá đã được các doanh nghiệp Việt Nam làm từ nhiều năm trước, ví dụ sử dụng fax, word, excel... thay cho văn bản giấy. Chuyển đổi số diễn ra ở quy mô lớn hơn, là thay đổi về quy trình, biến các dữ liệu thô thành thông tin và chuyển đổi những thông tin này thành quy trình nhằm tối ưu chi phí vận hành, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
Theo nhận định của IDC, đầu tư vào chuyển đổi số trực tiếp vẫn đang không ngừng tăng trong giai đoạn 2020 - 2023, dự kiến đạt 6.800 tỷ USD khi nhiều công ty đang tận dụng công nghệ để trở thành doanh nghiệp số tương lai.
IDC dự báo, tới năm 2022, 65% GDP toàn cầu sẽ đến từ số hóa. Cuối năm 2022, 70% các tổ chức và doanh nghiệp sẽ tăng tốc chuyển đổi số, nhằm chuyển đổi quy trình hoạt động hiện tại để tăng cường tương tác với khách hàng, cải thiện năng suất lao động và nâng cao năng lực phục hồi của doanh nghiệp.
Thi Quân