Chương trình tổ chức vào 9h ngày 28/9 với sự tham gia của ông Nguyễn Chí Trường, Vụ Trưởng Vụ kỹ năng nghề, Bộ Lao động Thuơng binh và Xã hội; Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng phòng Đào tạo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM; ôg Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).
Lãnh đạo Bộ, ngành, hiệp hội... sẽ bàn luận nhiều vấn đề quan trọng. Trong bối cảnh dịch căng thẳng, loạt mô hình "ba tại chỗ", "một cung đường hai điểm đến", "bốn xanh"... được áp dụng, là giải pháp để doanh nghiệp tiếp tục chuỗi cung ứng. Tuy nhiên hình thức làm việc này cũng gây ra những bất lợi. Tại tọa đàm, các chuyên gia sẽ chỉ rõ loạt thuận lợi, khó khăn mà doanh nghiệp lẫn lực lượng lao động của họ gặp phải khi chuyển đổi quá nhanh.
Ngoài câu chuyện duy trì việc làm, bài toán an sinh cũng là vấn đề mà Chính phủ và toàn xã hội quan tâm. Lãnh đạo các công ty cần phải làm gì để giữ chân người lao động, nhất là nhân sự cấp cao và đội ngũ công nhân viên lành nghề? Năng lực tự xét nghiệm Covid-19 có phải một trong những điều bắt buộc để doanh nghiệp tham gia quá trình vận hành mô hình "ba tại chỗ", "bốn xanh"?...
Nội dung trên cũng là băn khoăn, trăn trở của nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhất là trong tình cảnh công nhân viên bị hạn chế đi lại. Nhiều lãnh đạo công ty cho biết hoạt động kinh doanh ngưng trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng vì chỉ một phần ba quân số đăng ký "ăn, ngủ, làm việc" tại nhà máy thời dịch.
Tại cuộc gặp Thủ tướng vừa qua, Ban IV kiến nghị Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay để trả lương và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua các ngân hàng thương mạin thay vì chỉ là gói vay ưu đãi qua ngân hàng chính sách xã hội như hiện nay. Nếu đề xuất được hiện thực hóa, đâu sẽ là rào cản kỹ thuật và phía doanh nghiệp lẫn Chính phủ cần phải làm gì?
Đại dịch thay đổi thói quen của con người và tương lai toàn bộ công, nhân viên lẫn cấp quản lý cần có thêm các kỹ năng mới để thích ứng với hoàn cảnh. Tại tọa đàm, các chuyên gia sẽ gợi mở cho doanh nghiệp cách cải thiện kỹ năng lao động, những yếu tố cần thay đổi để đáp ứng yêu cầu thực tế khi làm việc trực tuyến.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và Chính phủ có thể phối hợp thế nào để nâng cao chất lượng lao động Việt. Bản thân người lao động cần làm gì, thay đổi suy nghĩ lẫn thói quen ra sao để có thể chung tay sản xuất nhanh, vực lại nền kinh tế.
"Cải tiến kỹ năng lao động - chìa khóa bứt phá sản xuất trong đại dịch" thuộc chuỗi tọa đàm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - ViEF 2021, do VnExpress và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp tổ chức. Nội dung thảo luận xuyên suốt ViEF 2021 là "giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế Việt Nam và một số ngành, lĩnh vực trọng tâm giai đoạn 2021-2025, định hướng tới 2030".
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ và có sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, Diễn đàn là lời hiệu triệu, tập hợp của cả hai khu vực công - tư để phát triển nền kinh tế có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư vượt khó do dịch bệnh, tạo sức bật trong giai đoạn mới...
Hiếu Châu