Trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 9/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết một trong những khó khăn trong công cuộc chuyển đổi số là người dân thiếu điện thoại thông minh. Để giải quyết bài toán này, Bộ trưởng cho biết, sắp tới thị trường sẽ có những chiếc smartphone giá 600 - 700 nghìn đồng. Các sản phẩm này là sự hợp tác của các công ty sản xuất điện thoại Việt Nam với một số nhà mạng trong nước, nhằm hỗ trợ giá cho người dân.
Bộ trưởng cũng cho biết Bộ đang chỉ đạo phủ sóng viễn thông cả ở miền núi, vùng sâu vùng xa, để bảm bảo tất cả người dân đều có sóng 3G, 4G, 5G để truy cập Internet. Trong tương lai, người dân các khu vực này có thể thanh toán điện tử mà không cần thẻ ngân hàng, nhờ Mobile Money. Chương trình sẽ được thí điểm trong năm nay.
Ý tưởng phổ cập smartphone giá rẻ cho người Việt được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra từ tháng 3 năm nay. Mức giá này sẽ được triển khai thông qua việc sản xuất smartphone Việt Nam giá từ 45 đến 50 USD, kết hợp cùng việc trợ giá từ nhà mạng, nhà sản xuất và các đơn vị cung cấp ứng dụng dịch vụ để đưa giá xuống còn khoảng 20 USD.
Mới đây, Cục trưởng Viễn thông Hoàng Minh Cường cho biết Chính phủ đã đề nghị đổi đề án tắt sóng 2G do Bộ TT&TT đề xuất thành đề án phát triển smartphone giá rẻ. Việc phổ cập được smartphone cũng tạo điều kiện để "nhà mạng có thể tắt sóng 2G, khi số thuê bao sử dụng công nghệ này còn dưới 5%".
Hiện Việt Nam có khoảng 24 triệu thuê bao 2G, theo báo cáo của Cục Viễn thông. Sau khi phân tích và trừ đi lượng thuê bao 2G được người dùng cho máy phụ (vốn đã có smartphone), lượng người dùng chỉ sử dụng duy nhất điện thoại "cục gạch" là khoảng 12,4 triệu.
Việc phổ cập điện thoại thông minh, điện thoại có 4G sẽ góp phần vào công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, đặc biệt là vùng sâu vùng sa. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là khu vực được ưu tiên. "Với chuyển đổi số, những nơi càng khó khăn, chuyển đổi số sẽ càng hiệu quả", ông Hùng nói.
Khi triển khai chuyển đổi số tại các khu vực này, ba lĩnh vực được ưu tiên lần lượt là giáo dục, y tế, thương mại điện tử, để học sinh có thể tiếp cận được bài giảng chất lượng cao từ giáo viên giỏi, qua hình thức trực tuyến; người dân được khám chữa bệnh từ xa; đồng thời nông sản có thể bán qua các trang thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, Bộ TT&TT đã triển khai thí điểm xã thông minh tại nhiều khu vực vùng sâu vùng xa, dự kiến sơ kết và nhân rộng vào cuối năm 2020.
Lưu Quý