Tại hội nghị về Chuyển đổi số cùng EVFTA đầu tháng 11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hoàng – Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - đã chỉ ra các thách thức với nền kinh tế số và quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay.
Ông Hoàng cho biết một số lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và châu Âu thông qua EVFTA, như sản xuất, chế biến chế tạo, nông nghiệp, kim ngạch có thể lên đến 60 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam đang có nhiều cơ hội. Nhưng song song với các cơ hội là các thách thức.
Về nền tảng công nghệ
Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho rằng thách thức nằm ở năng lực công nghệ trong nước còn chưa cao, chưa làm chủ được những công nghệ cốt lõi của chuyển đổi số. "Chúng ta vẫn còn đi sau, và Việt Nam hiện chủ yếu vẫn ứng dụng những công nghệ về chuyển đổi số đã được phát triển sẵn trên thế giới", ông Hoàng nói.
Đại diện Bộ KH-CN cũng cho biết, thời gian qua, Bộ đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ, phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Nhiều chính sách thu hút đầu tư cũng đã được đưa ra để phát triển nền công nghệ trong nước, nhằm vượt qua các thách thức kể trên.
Trình độ sản xuất của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ
Chuyên gia từ Bộ KH-CN chia các doanh nghiệp thành bốn nhóm chính, gồm nhóm doanh nghiệp dẫn đầu, nhóm doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, và nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, ba nhóm doanh nghiệp đầu tiên có nhiều cơ hội nhất trong nền kinh tế số, do họ tiềm lực tài chính để đầu tư nhà máy hiện đại, có cơ hội tiếp cận với các công nghệ mới nhất, thậm chí có những nhà máy thông minh.
Còn lại, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 95 - 96% số lượng doanh nghiệp, nhưng lại khó trong việc chuyển đổi số nhất. Theo ông Hoàng, nhóm này hiện đã có nhận thức về tầm quan trọng của các nền tảng kỹ thuật số, tuy nhiên, do khả năng sản xuất còn hạn chế, mức độ tự động hóa còn chưa cao nên khó áp dụng chuyển đổi số. "Nếu có áp dụng, sẽ phải đầu tư lớn về tài chính và nhân lực, trong khi chưa chắc chắn về hiệu quả. Đây là thách thức lớn với các doanh nghiệp này", ông Hoàng nhận định.
Thách thức thứ ba, đến từ nguồn nhân lực
"Việt Nam cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, để làm chủ công nghệ mới, phục vụ cho việc triển khai chuyển đổi số", ông Hoàng nói.
Có chung quan điểm về các thách thức với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam - cho rằng đây vừa là thách thức, nhưng cũng là lợi thế với chính họ. "Doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ thông tin chưa nhiều, nên họ có thể bỏ qua cái cũ và tiến thẳng lên cái mới", ông Bình nói, đồng thời cho biết đang xây dựng giải pháp để các doanh nghiệp này có thể tiến hành chuyển đổi số trong 1-2 tháng.
Về nguồn nhân lực, ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết thời gian qua, chất lượng đã được cải thiện đáng kể, đồng thời Việt Nam thu hút được nhiều nhà khoa học về nước phát triển các lĩnh vực mới, như công nghệ AI, mạng 5G... "Người lao động Việt vốn chăm chỉ và ham học hỏi, nếu được chú trọng đào tạo, đồng thời tích cực áp dụng công nghệ mới, chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế số", ông Hoàng nói thêm.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, bổ sung, Bộ TT&TT đang xây dựng đề án liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia. Theo ông Đường, đề án sẽ giao cho một số Bộ liên quan, chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng, mở một số ngành mới liên quan đến AI, Bigdata, hay Kinh tế số... song song với việc phổ biến kỹ năng số cho người dân.
Thống kê của các đơn vị nghiên cứu cho thấy nền kinh tế Internet của Việt Nam đạt giá trị 12 tỷ USD vào năm 2019 với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 38% kể từ năm 2015 và dự kiến sẽ tăng lên 43 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025. Tổng giá trị hàng hóa được giao dịch qua Internet tại Việt Nam chiếm hơn 5% GDP của cả nước vào năm 2019. Năm 2019, ước tính có 61 triệu người Việt Nam lên mạng và trung bình dành 3 giờ 12 phút mỗi ngày để sử dụng Internet trên các thiết bị di động như điện thoại thông minh.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Lưu Quý