Tác giả Hoa Kim ở bài viết Bế tắc 'ngoại tình, mẹ chồng cay nghiệt' của phim Việt cho rằng các nhà làm phim đang rơi vào trạng thái bí ý tưởng khi "phim nào cũng có ít nhất một đàn ông nhu nhược, ngoại tình, một bà mẹ chồng cay nghiệt với con dâu.
Độc giả có nickname Iluxman cho rằng các bộ phim đang tạo hình ảnh xấu một cách thái quá về những người mẹ: "Có những bộ phim khái quát hình ảnh của các bà mẹ thật sự kinh hoàng. Một số kịch bản của các phim dạo gần đây luôn đẩy vấn đề lên một cách thái quá, tạo nên một hình tượng rất xấu về người mẹ.
Có một bộ phim truyền hình cách đây vài tháng, vì hận chồng ngoại tình mà "dạy" con đến độ con tự tử. Đây là một bộ phim có kỷ lục... khóc. Tập nào cũng có những cảnh khóc lóc kéo dài lê thê và đặc biệt là tất cả cá nhân vật chính trong phim đều phải khóc. Dường như kịch bản, đạo diễn thích các cảnh khóc nên các cảnh khóc thường rất dài.
Các đạo diễn thường khai thác một khía cạnh, chủ đề nào đó để đẩy nó lên cao trào để trở thành bi kịch cho có chất của phim. Nhưng thật sự là họ quá non tay để có thể làm được vấn đề này mà đông đảo khán giả chấp nhận được".
Độc giả Hồ Điệp bày tỏ nhiều phim Việt hiện tại lạm dụng quá nhiều drama về gia đình, mẹ chồng nàng dâu... mà thiếu vắng đi những giá trị gia đình, nhân văn:
"Tôi đã nhiều lần ý kiến về các phim truyền hình của Việt Nam, cứ sau một ngày đi làm mệt mỏi bật tivi lên lập tức chói tai, mệt mỏi vì những đoạn gào thét, kêu khóc.
Xoay đi xoay lại là mẹ chồng con dâu, ngoại tình, âm mưu. Cảnh thì toàn thấy những người sang chảnh, ăn mặc đúng mode, đi xe ô tô đẹp thật xa lạ với đời sống của đa số nhân dân.
Làm phim về đề tài nông thôn thì mô tả họ như những người ngốc nghếch, trí tuệ thấp. Thông điệp truyền tải rất thấp, thấp hơn nhiều ý nghĩa trong các phim thời trước mà chỉ mãn nhãn vì trai xinh gái đẹp, giàu có hoặc cười vỡ bụng vì sự ngây ngô đến phi thực tế của các nhân vật chọc cười.
Tôi nói thật chứ phim hành động Mỹ nó còn truyền tải nhiều ý nghĩa nhân văn hơn mặc dù đó chỉ là dòng phim giải trí".
Độc giả có nickname Tiến sỹ Gàn nhận định: "Điểm yếu của phim Việt là xây dựng và khai thác kém về nhân vật, nội tâm, nhân sinh quan. Vì thế, nhiều phim dùng những tình tiết bề nổi, những xung đột kiểu va chạm qua lại nhau làm tình tiết. Cái này phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đạo diễn".
Độc giả Hoang Anh Lê cho rằng "bản sắc văn hoá" nên là những thông điệp của những bộ phim Việt, có như vậy thì mới có nhiều khán giả:
"Điều quan trọng nhất là phải có bản sắc văn hóa Việt Nam mình nữa. Các phim nước ngoài nhìn sơ là biết ngay của nước nào từ đồ đạc cho đến văn hóa.
Muốn có nhiều khán giả xem phim, nên lồng ghép vào những điều ý nghĩa, bối cảnh bộ phim có thể quay ở vùng quê cũng được, không nên quá chú trọng vào nhà cao tầng để quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam mình".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.