Khi Trấn Thành kỳ vọng phim "Bộ tứ báo thủ" (phim Tết 2025) có doanh thu vượt 1.000 tỷ đồng, câu chuyện doanh thu và chất lượng một bộ phim lại được nhiều người đem ra bàn tán.
Phim của Trấn Thành thường gây tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận rằng cách anh khai thác các câu chuyện đời thường đã chạm vào cảm xúc của đông đảo khán giả.
Những bộ phim này không hẳn dành cho một tầng lớp cụ thể mà mang tính phổ quát, vì ai cũng có thể thấy bóng dáng của mình hoặc người thân trong những nhân vật trên màn ảnh.
Cũng giống như tác phẩm nghệ thuật "Quả chuối dán tường" giá trị đôi khi phụ thuộc vào cách người ta nhìn nhận. Một quả chuối dán tường có thể bị xem là kỳ quặc, nhưng khi nó đến từ một nghệ sĩ đã được công nhận, lại trở thành biểu tượng nghệ thuật được bán đấu giá triệu đôla. Phim ảnh cũng vậy - sức hút và giá trị của nó không chỉ nằm ở nội dung mà còn ở uy tín và phong cách của người làm phim.
Trong nền công nghiệp phim ảnh, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, ranh giới giữa hàn lâm và thị trường luôn tồn tại. Phim thị trường nhắm đến số đông khán giả, ưu tiên yếu tố giải trí, dễ hiểu và thường tạo hiệu ứng doanh thu cao. Trong khi đó, phim hàn lâm tập trung vào chất lượng nghệ thuật, các giá trị triết lý sâu sắc, nhưng thường chỉ tiếp cận được một nhóm khán giả hạn chế.
Thực tế, nhiều phim Việt đoạt giải cao ở các liên hoan phim quốc tế nhưng lại gặp khó khăn khi ra rạp. Ngược lại, phim của Trấn Thành dù bị đánh giá là chưa có chiều sâu, thoại đôi khi thiếu tự nhiên, vẫn thu hút hàng triệu người xem và đạt doanh thu cao kỷ lục, hàng trăm tỷ đồng.
Điều này cho thấy, mỗi dòng phim đều có được và mất. Phim hàn lâm thường được đánh giá cao ở môi trường quốc tế và góp phần nâng tầm dân trí nghệ thuật. Phim thị trường, ngược lại, dù ít "sang" hơn, nhưng lại mang đến nguồn thu nhập lớn và gần gũi hơn với khán giả đại chúng.
Với phim của Trấn Thành, những nhận xét về kịch bản chưa đủ bất ngờ, mạch phim thiếu lớp lang, hay diễn xuất chưa hoàn toàn xuất sắc đều là những điểm cần cải thiện. Một bộ phim không chỉ cần yếu tố giải trí mà còn cần tính sáng tạo, sự logic và chiều sâu để trở thành tác phẩm để đời.
Người xem mong muốn những tình tiết bất ngờ, những câu thoại đời thường nhưng vẫn phải sắc sảo, chạm đến trái tim họ. Trấn Thành có tài năng và sự nhạy bén với thị trường, điều này không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, để đạt đến đẳng cấp cao hơn, anh cần đầu tư vào biên kịch, dựng phim và mạch truyện để những câu chuyện của mình trở nên đa chiều, không dễ đoán và có sức hút lâu dài.
Cuộc tranh luận về "hàn lâm" và "thị trường" không chỉ xảy ra trong lĩnh vực phim ảnh. Ngay cả trong kinh doanh, giáo dục hay sản xuất, cũng tồn tại hai xu hướng này. Nhìn từ bên ngoài, nơi nào mà yếu tố hàn lâm mạnh hơn thường được đánh giá cao về dân trí và tính văn minh. Ngược lại, khi yếu tố thị trường lấn át, nơi đó có thể giàu hơn về kinh tế, nhưng không ít lần bị coi là "giàu mà không sang".
Theo tôi, đối với điện ảnh Việt Nam, cả hai hướng đi đều cần thiết. Phim hàn lâm là cột mốc khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Phim thị trường lại là dòng chảy nuôi sống ngành công nghiệp phim ảnh và kéo khán giả đến với rạp chiếu. Điều quan trọng không phải là loại trừ nhau, mà là tạo sự cân bằng, bổ trợ lẫn nhau để điện ảnh Việt phát triển bền vững.
Khán giả hãy xem và nhìn phim ảnh bằng cái nhìn đa chiều, để thấy rằng mỗi bộ phim, dù đời thường hay nghệ thuật, đều mang một sứ mệnh riêng, góp phần làm phong phú tâm hồn người xem. Vì ít ra nếu bạn đánh giá một bộ phim nào đó là dở, thì bạn đã từng xem một bộ phim hay.
Trấn Thành, tên đầy đủ Huỳnh Trấn Thành, 37 tuổi, là diễn viên, MC và nhà làm phim. Anh nổi bật với phim điện ảnh đầu tay Bố già (2021), đạt nhiều giải thưởng trong nước như Bông Sen Vàng và Cánh Diều Vàng. Vào Tết Quý Mão (2023), anh gây chú ý với Nhà bà Nữ, bộ phim đầu tiên anh tự đạo diễn, đạt doanh thu cao nhất phòng vé Việt Nam thời điểm đó. |