Đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền sau nhiều năm vắng bóng, Thích khách Nhiếp Ẩn Nương giành giải "Đạo diễn xuất sắc" ở Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5. Từ khi ra mắt, phim được giới chuyên môn trên thế giới đồng thuận là một trong những tuyệt phẩm có tính thẩm mỹ cao năm 2015. Tuy vậy, phim vắng khách sau hơn một tuần chiếu ở Việt Nam từ hôm 25/9. Hiện mỗi ngày ở rạp Quốc gia và cụm rạp Platinum (Hà Nội) chỉ còn một đến hai suất chiếu vào khung giờ chiều hoặc tối.
Trong một suất chiếu buổi chiều hôm 4/9 ở rạp Quốc gia, chỉ có 16 người mua vé xem phim. Một phần ba khán giả bỏ về trước khi phim kết thúc. Những người bỏ về cho biết họ không chịu được tác phẩm võ hiệp Đài Loan bởi tiết tấu quá chậm và thiếu các pha hành động như kỳ vọng. Phim không hợp gu với khán giả đại chúng.
Bà Đặng Thu Hiền, đại diện nhà phát hành The Green Media chia sẻ: "Từ đầu, chúng tôi xác định doanh thu là ưu tiên thứ hai còn giới thiệu phim tới khán giả là ưu tiên hàng đầu. Mong muốn của chúng tôi là không bị lỗ khi phát hành Thích khách Nhiếp Ẩn Nương".
Phát hành trước Thích khách Nhiếp Ẩn Nương một tuần, phim Sicario gần như bị văng khỏi rạp chiếu Việt Nam sau chưa đầy hai tuần. Bộ phim Mỹ từng tranh giải Cành Cọ Vàng hồi tháng 5 được giới chuyên môn ca ngợi là "Phim hình sự giật gân phải xem của năm". Mặc dù có sự tham gia của minh tinh Emily Blunt, ngôn ngữ điện ảnh của tác phẩm gây khó hiểu trước phần đông khán giả trẻ.
"Ba ngày đầu, phim khá thu hút bởi điểm số đánh giá cao từ các chuyên trang điện ảnh thế giới, dàn sao nổi tiếng và đạo diễn tên tuổi. Sau một tuần, các rạp phải cắt suất chiếu của phim chỉ còn hai suất một ngày và dành khung giờ tốt cho phim khác hút khách hơn. Phim sụt giảm khán giả rất nhanh. Tiền bán vé không bù được tiền nhập phim", đại diện đơn vị phát hành Platinum cho hay.
Tương tự số phận của Sicario, bộ phim độc lập Love & Mercy là một trường hợp phim nghệ thuật "chết yểu" nhất ở rạp Việt Nam từ đầu năm đến nay. Bộ phim tiểu sử về ca sĩ kiêm nhạc sĩ Brian Wilson từng được chiếu ở Liên hoan phim Toronto và được giới phê bình đánh giá như một phim âm nhạc xuất sắc của năm. Dù vậy, phim đến và ra khỏi rạp Việt gần như không ai hay biết, thậm chí với ngay cả người mê phim ảnh.
Tình trạng chung của phim nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao về rạp Việt Nam năm nay không khá hơn các năm trước. Hồi năm 2011, phim The Tree of Life cũng bị khán giả Việt hờ hững. Tác phẩm này giành giải Cành Cọ Vàng ở Liên hoan phim Cannes từ tháng 5 và tới rạp Việt Nam trong thời gian khá sớm (tháng 8). Dù có hai ngôi sao trong phim là Brad Pitt và Sean Penn, phim vẫn không lôi kéo được khán giả. Trong một suất chiếu khung giờ tương đối tốt ở ngày đầu tiên, phim chỉ có tám người mua vé và một nửa bỏ về trước khi tác phẩm kết thúc. Những suất chiếu lẻ tẻ sau đó gần như chỉ thu hút người xem thuộc giới điện ảnh và bị đẩy vào những khung giờ xấu.
Bà Nguyễn Thùy Vân, đại diện nhà phát hành CGV, chia sẻ: "So với các bộ phim thương mại - đặc biệt là phim bom tấn, những phim nghệ thuật được đề cử hoặc đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín có doanh thu khiêm tốn hơn nhiều. Điều này cũng tương tự như với các thị trường điện ảnh lớn hơn Việt Nam. Vài năm trước, khi các bộ phim nghệ thuật mới được đưa vào kế hoạch phát hành, có thể nói Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột) là phim được khán giả đón nhận nồng nhiệt nhất bởi câu chuyện gần gũi, dễ cảm. Black Swan (Thiên Nga đen) hay sau này là The Theory of Everything chỉ thu hút người yêu điện ảnh thực sự. Khi các phim này ra rạp, bản lậu đã có ở khắp nơi".
Mặc dù phát hành phim nghệ thuật khó thu lợi nhuận, các đơn vị phát hành như CGV, Platinum, Galaxy hay The Green Media đều chia sẻ họ nhập phim về với ưu tiên giới thiệu tác phẩm hay và có giá trị thẩm mỹ cho người xem.
Bà Thùy Vân nói: "Khi đưa những bộ phim này về Việt Nam, chúng tôi và những đối tác sản xuất, phát hành phim quốc tế đều xác định đó là những bộ phim xứng đáng được đưa ra rạp, xứng đáng để khán giả thưởng thức và sẽ góp phần nâng cao thị hiếu của thị trường về lâu về dài chứ không đặt nặng mục tiêu doanh thu". Bà Thu Hiền chia sẻ rằng nếu không nhập phim như Thích khách Nhiếp Ẩn Nương về Việt Nam thì sẽ là một thiệt thòi cho người xem trong nước.
Chiến dịch phát hành cho các phim nghệ thuật thường không rầm rộ như phim thương mại mà chỉ giới thiệu thông tin chuyên sâu trên báo chí, mạng xã hội và ngay tại rạp. Cũng bởi chiến dịch quảng bá không mạnh, thành công doanh thu của phim thường phụ thuộc đến hiệu ứng truyền miệng hoặc mạng xã hội.
Nhà báo Lê Hồng Lâm nhận định: "Số đông khán giả Việt Nam cũng như thế giới ra rạp chủ yếu là để giải trí nên những bộ phim kích hoạt được các giác quan mạnh nhất sẽ dễ lôi kéo được họ. Phim hành động bom tấn, giả tưởng, kinh dị, tâm lý lãng mạn, hài... nằm trong các thể loại dễ hút khách nhất. Trước nay, người Việt Nam thường xem phim nghệ thuật bằng bản lậu hoặc đến các tuần lễ chiếu phim. Gần đây có tín hiệu vui là các hãng phim nhập phim nghệ thuật nhưng việc phát hành đến khán giả đại chúng là chuyện dài cần phải tính".
Theo ông Lê Hồng Lâm, trên thế giới có các rạp chiếu phim nghệ thuật riêng biệt như rạp IFC ở New York, Mỹ. Trong khi đó, những bộ phim nghệ thuật nhập về Việt Nam vắng khách vì chiếu lẫn lộn với các rạp thương mại chứ không trong các rạp phim chuyên biệt. Trước áp lực thương mại, phim không có khách sau một tuần sẽ bị đẩy khỏi rạp.
Ông Lâm cũng bày tỏ thêm rằng các hãng phát hành phim lớn ở Việt Nam nên có trách nhiệm và kiên nhẫn hơn nữa trong việc phát hành phim nghệ thuật, ngoài việc chiếu phim thương mại. Điều này sẽ giúp thúc đẩy việc phát hành phim nghệ thuật trong nước, trong thời điểm thị trường đang bùng nổ hiện nay.
Vũ Văn Việt