The Assassin (Thích khách Nhiếp Ẩn Nương) là tác phẩm thứ 21 của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền sau gần ba thập kỷ thực hiện nhiều tác phẩm đặc sắc như A City of Sadness, The Time to Live, The Time to Die hay Three Times. Phim đánh dấu lần đầu tiên đạo diễn gạo cội Đài Loan chuyển hướng từ những câu chuyện gia đình, tuổi mới lớn sang đề tài cổ trang và võ hiệp. Tác phẩm là một chuỗi khung hình mực thước, đậm tính cổ điển, được trau chuốt tuyệt mỹ nhưng không chú trọng về mặt xây dựng kịch tính hay các cảnh võ thuật mãn nhãn.
Mọi khung hình quay cảnh ngoài trời trong phim đều đẹp như tranh vẽ, có bố cục cân đối, chỉn chu. Chúng đưa người xem vào thế giới hoang sơ của rừng núi Trung Hoa khoảng giữa thế kỷ thứ tám sau Công Nguyên với những khu rừng bạch dương màu bạc, những hồ nước nguyên sơ, những rặng rúi mây phủ ngập trời. Thi thoảng, không gian tĩnh lặng ấy nổi lên một tiếng chim muông lảnh lót. Hàng loạt trảng cỏ hoa tươi tắn hoặc già úa trong phim được xử lý bằng tông màu cháy đẹp mắt.
Những phân cảnh được quay trong nhà hoặc trong khuôn viên gia đình thường gây ấn tượng bằng con mắt tinh tế khi chú ý vào chi tiết thay vì phô bày những hoạt động hoành tráng, nhộn nhịp hoặc sôi động trong lối sống vương quyền. Vào phim, người xem bước vào không gian của một gia tộc chúa đất ở xa nơi phồn hoa đô hội, cảm nhận sự thanh bình, tinh khiết với những chiếc rèm cửa trắng bay phất phơ nhẹ nhàng trong gió hay những lồng chim, những gốc cây già hoặc những mái nhà có đầu hồi kiến trúc tinh xảo.
Trong mỗi cảnh phim, hoạt động và di chuyển của nhân vật được tiết chế hết mức. Một phân cảnh nhân vật chính là Nhiếp Ẩn Nương ra tay sát hại nạn nhân được xử lý chỉ bằng một cú nhảy và vung gươm của Thư Kỳ cùng một tiếng xoẹt của dao cắt cổ. Nhiều lần đạo diễn Hầu Hiếu Hiền sử dụng chỉ một âm thanh để truyền tải sắc thái ý nghĩa hành động. Khi nhân vật nhà vua nổi cơn thịnh nộ, ông đâm vỡ một bình hoa quý trên bàn và được thể hiện qua một tiếng bình vỡ xoảng.
Với phong cách làm hành động mang tính gợi mở và ước lệ, những trường đoạn hành động trong phim không dồn nén kịch tính căng thẳng, lắt léo và đẩy theo nhịp cao trào. Mọi pha hành động đều không mãn nhãn mà được xử lý ở mức vừa phải và tạo điểm nhấn nhá đẹp mắt. Thủ pháp giấu góc quay được Hầu Hiếu Hiền nhiều lần sử dụng cho các cảnh Thư Kỳ và các đối thủ giao chiến bởi một phần nữ diễn viên không có nhiều kinh nghiệm võ thuật ngoài đời.
Chất hành động và võ hiệp của Hầu Hiếu Hiền có phần cổ điển, mực thước và già dặn chứ không trẻ trung và phóng khoáng như trong các phim của Trương Nghệ Mưu hay Lý An. Bởi vậy, nếu người xem chờ đợi những pha hành động bay nhảy như chim lướt qua ngọn tre hay băng qua mặt hồ trong những tác phẩm kiếm hiệp kiểu Anh Hùng, Thập Diện Mai Phục hay Ngọa Hổ Tàng Long thì sẽ bị thất vọng.
Kịch bản Thích khách Nhiếp Ẩn Nương không phức tạp và lắt léo, phụ thuộc nhiều vào lời thoại để dẫn chuyện. Phim xoay quanh nhân vật chính là Nhiếp Ẩn Nương (Thư Kỳ thủ vai) được huấn luyện từ bé để trở thành một sát thủ máu lạnh, giết người không chớp mắt. Nhưng rồi định mệnh bắt cô đối mặt với một tình huống - phải ám sát người chồng được hứa hôn từ lúc mới chào đời là Điền Quý An (Trương Chấn thủ vai). Toàn bộ câu chuyện đi sâu mô tả tâm lý của nhân vật thích khách khi cô phân vân giữa hai lựa chọn: Phục tùng mệnh lệnh của sư phụ hay nghe theo lời mách bảo riêng của con tim.
Diễn xuất của Thư Kỳ nhìn chung tròn vai. Cô tạo ra vẻ lạnh lùng cần có của một nữ sát thủ. Mặc dù vậy, biểu cảm gương mặt của nữ diễn viên từng đoạt giải Kim Mã lại không đa dạng trong tác phẩm mới. Trừ một số cảnh cô thể hiện sự dày vò nội tâm khi đang tắm, người đẹp Hoa ngữ đều giữ vẻ mặt khá khô cứng và một màu. Trong khi đó, Trương Chấn vào vai một chúa đất tính toán, lạnh lùng, tàn ác khá hợp vai. Một nhân vật nhỏ nhưng để lại ấn tượng là vai chàng thầy thuốc - người tình thứ ba của nữ thích khách. Nam diễn viên đóng vai này có khuôn mặt trẻ trung và bộc lộ sự tươi mới.
Bộ phim được Đài Loan lựa chọn đem tranh giải Oscar 2016 ra rạp Việt Nam từ ngày 25/9.
Trailer phim "Thích khách Nhiếp Ẩn Nương" |
|
Vũ Văn Việt