Hội thảo về nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam do Hội điện ảnh tổ chức đầu tháng 11 tại Hà Nội đã đưa ra vô vàn vấn đề gây nhiều tranh cãi trong các phim lịch sử Việt Nam từ trước tới nay. Nhiều đạo diễn, nhà biên kịch, nhà thơ, nhà phê bình, nhà nghiên cứu lịch sử cũng có mặt để tham luận và tìm ra hướng đi mới cho dòng phim này.
20 phim trong 6 thập kỷ
Phim lịch sử Việt Nam mới xuất hiện khoảng 30 năm nay nhưng ở thời kỳ đầu, có nhiều tác phẩm đã gây được tiếng vang cho công chúng như Đêm hội Long Trì, Phạm Công – Cúc Hoa, Thăng Long đệ nhất kiếm hay Tráng sĩ Bồ Đề...
Trong đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, phim lịch sử được dịp nở rộ với Long Thành cầm giả ca, Tây Sơn hào kiệt, Khát vọng Thăng Long hay một số phim truyền hình như Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long, Trần Thủ Độ, Huyền sử thiên đô.
![Phim-lich-su-3-jpg-1352343186_500x0.jpg](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2012/11/08/Phim-lich-su-3-jpg-1352343186.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ss1Wmu_QgDXxpqQ2GfRsiQ)
Nếu tính cả những danh nhân văn hóa thì có thêm các phim như Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong, Vượt qua bến Thượng Hải. Tuy nhiên, đa số phim này đều được làm theo đơn đặt hàng, quy mô nhỏ lẻ và bị nhiều khán giả coi là phim "cúng cụ", chỉ chiếu vào những dịp quốc lễ hay liên hoan phim trong nước.
Tại hội nghị, Đêm hội Long Trì của đạo diễn Hải Ninh vẫn được nhắc lại như một trong những bộ phim lịch sử Việt Nam tốt nhất từ trước đến nay. Tác phẩm được làm từ thập niên 1980 nhưng có quy mô lớn, câu chuyện thu hút và diễn xuất gây ấn tượng. Nhiều người tự hỏi tại sao một bộ phim làm từ hơn 20 năm trước lại tốt hơn nhiều phim lịch sử bây giờ, trong khi công nghệ ngày càng phát triển, tiện lợi hơn ngày xưa.
Phó giáo sư Trần Luân Kim nhận định ngắn gọn phim lịch sử Việt Nam đang "thiếu và yếu".
Thiếu nhất là người tài
Nhà biên kịch lão làng Lê Phương – tác giả kịch bản của những bộ phim nổi tiếng như Biệt động Sài Gòn, Đêm hội Long Trì, Tráng sĩ Bồ Đề - phát biểu trong hội nghị: "Cái chúng ta thiếu nhất là người tài. Phim lịch sử có làm mới biết được và cần người làm phim phải có máu liều". Ông chia sẻ rằng ngày xưa, cũng vì máu "liều" nên ông và đạo diễn Hải Ninh mới thực hiện được một Đêm hội Long Trì đi vào lịch sử của điện ảnh Việt Nam.
"Chúng ta có thể thiếu các di sản phi vật thể, thiếu trường quay nhưng thiếu nhất vẫn là người tài. Dòng phim lịch sử cần những người có gan, dám liều mạng kể câu chuyện về lịch sử của dân tộc. Do vậy đầu tư là phải đầu tư cho người tài chứ không phải là người tán khéo" – nhà biên kịch Lê Phương đi thẳng vào vấn đề.
Ông cũng lên tiếng góp ý Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long đã quá dễ dãi khi lựa chọn kịch bản theo phong trào trong cuộc vận động sáng tác chào mừng Đại lễ hai năm trước. Ông cho rằng ban chỉ đạo còn "bất lịch sự" khi chọn làm phim về Trần Thủ Độ - người lật đổ nhà Lý.
![vua-thu-do-jpg-1352343186_500x0.jpg](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2012/11/08/vua-thu-do-jpg-1352343186.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jBqW_0kKcPb2w6HO2kxMPw)
Có nhiều bộ phim lịch sử được thực hiện khi đó như các phim truyền hình Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long, Huyền sử thiên đô và phim điện ảnh có kinh phí được hé lộ là lên tới hàng "bom tấn" của Việt Nam với vài chục tỷ đồng là Khát vọng Thăng Long. Tuy nhiên cuối cùng, chỉ có Long Thành cầm giả ca – một phim về Nguyễn Du – ra mắt đúng dịp Đại lễ.
Phim Huyền sử thiên đô có kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng mỗi tập nhưng khi lên sóng, nhà đầu tư lỗ tới 30 tỷ đồng. Qua đó có thể thấy, đầu tư không đúng cách dẫn đến lãng phí mà không hiệu quả.
Lịch sử Việt Nam có rất nhiều câu chuyện ly kỳ với những nhân vật có tầm vóc lớn đủ sức dựng thành một bộ phim hấp dẫn như Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Thái hậu Dương Vân Nga, Nam Phương Hoàng hậu, Lý Chiêu Hoàng... nhưng lại thiếu những nhà làm phim tài năng có đủ sức đưa lịch sử của nước nhà đi ra thế giới bằng ngôn ngữ nghệ thuật thứ bẩy.
Yếu về lưu trữ lịch sử, yếu bối cảnh, yếu tư duy
Trong bản tham luận của mình, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục điện ảnh, chỉ ra những nguyên nhân khiến phim lịch sử Việt Nam vẫn còn yếu kém. Đầu tiên là việc lưu trữ, bảo tồn di sản phi vật thể chưa tốt nên không bảo toàn được tư liệu cho người làm phim. "Các di tích như cung điện, đền đài không lớn, không bề thế nhưng lại không lưu giữ được là bao". Những bộ phim có kịch bản về thời Lý, Trần đều không có tài liệu nào về cảnh vật, kiến trúc, đền đài, nhà cửa thời kỳ đó nên người viết buộc phải tự tưởng tượng qua những ghi chép ít ỏi.
Điều kiện cơ bản cho một nền điện ảnh chuyên nghiệp là trường quay, Việt Nam cũng chưa có. Bối cảnh thì tạm bợ, đều là những trường quay nhỏ dựng lên dùng một lần xong thanh lý. Nhiều nhà làm phim phải sang Trung Quốc mượn bối cảnh, dẫn đến việc phim lịch sử Việt Nam mang "hồn ta" nhưng "hình hài nước bạn".
![Phim-lich-su-1-jpg-1352343186_500x0.jpg](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2012/11/08/Phim-lich-su-1-jpg-1352343186.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3JKh2Z4AKMAHiCMP7owZYA)
Nhiều ý kiến cũng cho rằng cách phản biện, đánh giá phim lịch sử của nước ta còn quá khắt khe. Nhiều người có tư duy đã là phim lịch sử thì phải tôn trọng 100% sự thật từng xảy ra trong quá khứ. Điều này sẽ gây cản trở mạnh mẽ tới việc sáng tạo nghệ thuật. Ở những bộ phim lịch sử của nước ngoài, đôi khi các nhà làm phim chỉ dựa một phần lịch sử để tạo nên một câu chuyện mới, vừa có những yếu tố lịch sử quen thuộc, lại vừa có sức hấp dẫn khán giả bằng những chi tiết mới có tính bất ngờ.
Ví dụ gần đây nhất là bộ phim Masquerade của điện ảnh Hàn Quốc. Phim lấy bối cảnh đế chế Choson nhưng chỉ dựa một phần lịch sử. Từ ghi chép về những sự kiện xảy ra trong 15 ngày vào năm thứ tám của triều đại vua Gwang-hae được che giấu, đạo diễn Choo Chang-min đã triển khai một câu chuyện về vị hoàng đế giả mạo dựa trên những nghi vấn đó.
Masquerade vừa mang tính lịch sử lại vừa có tính giải trí cao, hấp dẫn khán giả và trở thành phim Hàn có doanh thu cao thứ hai trong năm nay. So sánh giữa bộ phim này với các phim lịch sử Việt Nam gần đây có thể thấy chúng ta vẫn bị yếu về khâu sáng tạo lịch sử, vẫn bị đi theo những nguyên tắc, tư duy cũ nên khó mà làm được những tác phẩm thu hút được công chúng.
Lời giải "hóc búa" cho bài toán phim lịch sử
Trong hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường chất lượng cũng như số lượng của phim lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, giấc mơ này dường như vẫn quá xa vời khi phim lịch sử Việt Nam thiếu và yếu quá nhiều thứ.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan cho rằng: "Tư duy cần chuẩn xác khi làm phim lịch sử. Phim phải thể hiện được hồn cốt dân tộc nhưng không được chép lại lịch sử". Cục trưởng Cục điện ảnh cũng đề xuất các phim lịch sử Việt Nam sau này cần giữ lại bối cảnh và có thể biến thành điểm du lịch. Các phim trong tương lai cũng sẽ được đấu thầu để có thể đi theo một quy trình chuyên nghiệp, từ việc xây dựng dự án, lựa chọn kịch bản, đạo diễn... chứ không phải đầu tư kiểu mạnh ai nấy làm, chuyển thể lịch sử một cách chấp chới như hồi Đại lễ 1000 năm Thăng Long.
Phó giáo sư Trần Luân Kim nghĩ rằng kịch bản phim lịch sử cần xử lý chuẩn xác, hợp lý mối quan hệ không thật sự rõ ràng giữa tính xác thực lịch sử với tính sáng tạo của nhà biên kịch – tức sự thực lịch sử và sự chân thực hư cấu. Nhân vật phim lịch sử Việt Nam luôn bị ràng buộc bởi những khuôn khổ khách quan mà lịch sử đã định hình và in dấu ấn. Phải vượt qua được những giới hạn này, điện ảnh Việt Nam mới có những tác phẩm lịch sử vừa có giá trị, lại vừa có những sáng tạo hư cấu hấp dẫn được người xem.
![Phim-lich-su-4-jpg-1352343186_500x0.jpg](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2012/11/08/Phim-lich-su-4-jpg-1352343186.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JcCm6kut6jrZPwejIjSltg)
Những tác phẩm chi bộn tiền mà thu về kết quả phòng vé không mấy khả quan như Khát vọng Thăng Long, Huyền sử thiên đô hay thậm chí cả Thiên mệnh anh hùng cũng khiến các nhà đầu tư phải đắn đo trước những dự án phim lịch sử. Chưa kể hai bộ phim truyền hình có kinh phí lớn được làm vào dịp Đại lễ như Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long và Trần Thủ Độ sau hai năm kể từ Đại lễ vẫn nằm trong kho vì nhiều lý do.
Kinh phí quan trọng nhưng không hẳn đã là tất cả. Phim lịch sử Việt Nam vẫn thiếu nhất những nhà làm phim tài ba dám liều mình kể câu chuyện lịch sử dân tộc một cách chỉn chu, tâm huyết. Giấc mơ của điện ảnh Việt Nam về những bộ phim lịch sử sánh ngang với Hoàng đế cuối cùng, Thủy Hử, Ngọa hổ tàng long hay Giải cứu binh nhì Ryan sẽ khó có thể trở thành hiện thực nếu các dự án phim lịch sử vẫn đi theo một quy trình sản xuất thiếu chuyên nghiệp và yếu đủ đường như hiện nay.
Việt Lê