Là một trong những "bom tấn" của điện ảnh xứ kim chi năm nay, Masquerade đã thu hút hơn 10 triệu lượt khán giả sau khi ra mắt và trở thành phim ăn khách thứ nhì tại phòng vé xứ Hàn 2012, sau The Thieves. Đây là phim điện ảnh thứ tư của đạo diễn Choo Chang-min và là phim cổ trang đầu tiên mà nam diễn viên Lee Byung-hun tham gia. Masquerade dựa trên một phần lịch sử về cuộc đời Gwang-hae - vị vua thứ 15 của đế chế Choson và là một vị hoàng đế tài năng nhưng rất tàn bạo. Theo ghi chép lịch sử, có những sự kiện xảy ra trong 15 ngày vào năm thứ tám của triều đại Gwang-hae đã được che giấu. Bộ phim được triển khai dựa trên những nghi vấn đó.
* Trailer phim "Masquerade"
|
Bị hoang tưởng rằng có kẻ muốn ám sát mình, vua Gwang-hae (Lee Byung-hun đóng) ra lệnh cho tể tướng Heo-guyn tìm một kẻ đóng thế mình sau khi hoàng hôn buông xuống hàng ngày. Heo-guyn tìm ra Ha-seon – một kẻ diễn hài trong lầu xanh có ngoại hình giống vua như hai giọt nước. Không lâu sau đó, nhà vua bị đầu độc thật, tể tướng đề nghị Ha-seon tiếp tục đóng vai hoàng đế cho đến khi Gwang-hae khỏi bệnh hẳn.
Lee Byung-hun đảm nhiệm hai vai hoàng đế, thật và giả, trong phim "Masquerade". Ảnh: CJ. |
Từ một gã lang thang chuyên mua vui cho thiên hạ, Ha-seon dần quen với vai diễn người trị vì quốc gia. Anh bắt đầu tham gia sâu hơn vào các buổi chầu với sự giúp đỡ của tể tướng Heo-guyn. Có tính cách nhân hậu hơn Gwang-hae, Ha-seon điều hành quốc gia theo cách riêng của mình và dần tạo nên một sự thay đổi tích cực trong hoàng cung. Ngay cả tể tướng cũng bị lay động bởi lòng nhân ái mà hoàng đế giả mạo dành cho những người hầu có thân phận thấp hèn. Trong khi đó, những kẻ chống đối nhà vua bắt đầu nhận ra sự thay đổi và đặt nhiều nghi vấn về người đang ngồi trên ngai vàng...
Ý tưởng về một người dân thường ít học đóng giả nhà vua dễ đem tới những điều hài hước và đạo diễn Choo Chang-min tận dụng điều này để tạo nên những chi tiết gây cười trong nửa đầu bộ phim. Tư thế, dáng ngồi, cách ăn uống hay lối giao tiếp của nhân vật Ha-seon trong bộ long bào tạo nên một không khí vui nhộn, tươi vui trong sự lạnh lẽo của hoàng cung. Khả năng lãnh đạo đất nước của anh hề Ha-seon với sự ngờ nghệch, ngây ngô cũng là một trong những yếu tố tạo nên tiếng cười cho Masquerade.
"Masquerade" có lối kể chuyện chuyển từ hài hước sang bi kịch khá tinh tế. Ảnh: CJ. |
Tuy nhiên ở nửa sau, bộ phim chuyển đổi từ hài sang bi một cách tinh tế thông qua những tình tiết rất nhỏ. Quá khứ của người hầu gái, cuộc gặp gỡ giữa Ha-seon với Hoàng hậu, sự trung thành của người vệ sĩ... tạo nên chất "bi" cho Masquerade. Càng về gần cuối, cao trào của câu chuyện càng được đẩy lên dữ dội, mãnh liệt theo chiều hướng tăng dần và đối nghịch hoàn toàn với không khí hài hước trong nửa đầu phim.
Masquerade đem tới những thông điệp rất gần gũi khi xây dựng ý tưởng về một con người tầm thường nhất trong xã hội bỗng chốc được khoác lên người chiếc áo lớn mà cả cuộc đời anh ta chưa bao giờ dám nghĩ tới. Hình ảnh hoàng đế giả mạo Ha-seon thực chất lại phản ánh hình ảnh của một ông vua lý tưởng mà người dân Choson vẫn hằng mơ ước. Yếu tố về chính trị được cài cắm khá nhiều trong phim. Masquerade cũng sẽ khiến nhiều khán giả nhớ tới câu chuyện trong phim The Man in The Iron Mask có sự tham gia của Leonardo DiCaprio ngày trước. Cùng có ý tưởng về đức vua và người thế thân, cấu tứ giống nhau nhưng cách triển khai và đoạn kết của Masquerade có những khác biệt riêng.
Thể hiện tốt cả hai vai diễn trong bộ phim này, Lee Byung-hun tạo nên bước đột phá mới trong sự nghiệp diễn xuất. Anh tạo nên sự đối nghịch rất rõ nét khi vào cả hai vai, một là hoàng đế thật sự có tính cách tàn bạo, hoang tưởng và một là hoàng đế giả mạo có tấm lòng nhân hậu, hiền từ. Cách lột tả cảm xúc của hai nhân vật qua ánh mắt của Lee Byung-hun dẫn dắt được tâm lý của khán giả.
Phim thu hút hơn 10 triệu lượt khán giả sau khi ra mắt tại Hàn Quốc và trở thành tác phẩm ăn khách thứ nhì năm nay của xứ kim chi. Ảnh: CJ. |
Mặc dù đôi chỗ cài cắm quá nhiều yếu tố chính trị, Masquerade vẫn là một tác phẩm cổ trang đặc sắc, có tính giải trí cao lôi cuốn người xem trong hơn hai tiếng. Phim sẽ khiến nhiều khán giả phải ôm bụng cười trong nửa đầu nhưng cũng sẽ lấy đi nhiều nước mắt ở nửa cuối với những hình ảnh dữ dội. Từ một câu chuyện lịch sử được hư cấu, Masquerade được xây dựng với tính nhân văn rất cao, thể hiện ở đoạn kết khá kịch tính của bộ phim.
Masquerade (Hoàng đế giả mạo) đã có buổi chiếu ra mắt tại Việt Nam hôm 18/10 trong đêm khai mạc LHP Việt – Hàn lần thứ nhất ở TP HCM, có sự tham gia của đạo diễn Choo Chang-min. Phim được chiếu rộng rãi trên toàn quốc từ ngày 26/10.
* Một số hình ảnh trong phim "Masquerade" |
Nguyên Minh