Sáng 14/9, anh Hà Văn Danh, 31 tuổi, cùng con trai 7 tuổi và 13 người khác trải qua một đêm ở khu cách ly số 5 tại thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân. "Hầu hết mọi người đã trả nhà trọ, giờ nếu trở lại TP HCM, không biết sẽ xoay xở thế nào để sống", anh Danh nói với VnExpress qua điện thoại.
Hơn chục năm trước, anh Danh từ Quảng Trị vào TP HCM mưu sinh. Anh làm nghề tự do, buôn bán lặt vặt, sống qua ngày. Hơn ba tháng qua, xung quanh xóm anh trọ ở quận Bình Tân xuất hiện nhiều F0, cuộc sống bị đảo lộn.
Cậu con trai từ quê vào TP HCM chơi với ba mẹ từ đầu mùa hè, cũng bị kẹt lại do dịch. Bé từng chậm đến trường một năm, nếu không về kịp sẽ trễ lớp 1. Do đó, anh Danh đánh liều đưa con trai về quê, còn vợ anh vẫn ở lại.
Thông qua người quen, anh liên hệ với một đầu mối có ôtô đưa người về quê. Hai cha con và một số đồng hương sống gần đó được phía nhà xe yêu cầu đi xét nghiệm Covid-19 để lấy giấy chứng nhận kết quả âm tính.
Ngày 12/9, ôtô đến nhà đón họ, sau đó chuyển qua xe khác đi lòng vòng, tránh một số chốt ở TP HCM. Khi đến TP Biên Hòa, Đồng Nai, cả nhóm được chuyển qua xe 7 chỗ khác (biển số Thừa Thiên - Huế) đang đợi. Sau hơn một tiếng lăn bánh, xe dừng ở Long Khánh, tài xế yêu cầu 8 người chuyển qua xe đông lạnh để qua chốt.
Khi đó, 7 người trên ôtô biển số Bình Dương cũng sang xe ngồi chung. Anh Danh cho biết rất ngỡ ngàng vì trong thỏa thuận, nhà xe không có nói việc phải ngồi trong xe đông lạnh trung chuyển. Các tài xế trấn an, nói chỉ cần qua một chốt Đồng Nai và một chốt đầu tỉnh Bình Thuận sẽ sang xe trở lại bình thường. Vì muốn về quê nên tất cả 15 người đều phải chấp nhận.
"Xe chạy, tài xế tắt máy lạnh, hồi sau lại mở, hồi lại tắt... nên trong thùng nóng bừng, ai cũng vã mồ hôi", anh kể và đã cảm thấy bất an vì có con nhỏ đi cùng.
Hơn một giờ ngồi trong thùng, đến 22h, lúc cửa được mở ra, thấy cảnh sát, anh mới biết đã bị phát hiện. Khi đó xe đang đậu trước quán ăn trên quốc lộ 1, huyện Hàm Tân, Bình Thuận. Hai ôtô 7 chỗ trước đó cũng bị phát hiện khi đang dừng chờ đón người cách đó chừng 4 km. "Lúc bị đưa về chốt làm việc, mình cũng như nhiều người thức trắng đêm, vì sợ sẽ bị trả về nơi xuất phát", anh Danh kể.
Là người nhập chung nhóm ở Đồng Nai, anh Nguyễn Văn Luân, 28 tuổi, quê Hà Tĩnh, lúc đó rất lo lắng. Anh cho biết làm công nhân công trình, ở trọ nhà người quen tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Mấy tháng nay thất nghiệp, không có thu nhập, thấy khó trụ nổi, anh liên hệ với người có ôtô chở thuê. "Họ tính giá trọn gói 5,5 triệu đồng một người, khi nào về tới nơi mới thanh toán", anh cho biết.
Chiều hôm đó, anh bắt taxi đến Biên Hòa, sau đó lên ôtô 7 chỗ biển số Bình Dương cùng nhóm người đồng hương. Anh và mọi người cũng không biết trước việc sẽ ngồi trên xe đông lạnh trung chuyển qua chốt kiểm dịch. Sau khi bị cảnh sát phát hiện, anh nghĩ con đường về quê chắc đã bế tắc. "Nhưng trong cái rủi lại có cái may, mình rất mừng vì được tỉnh Bình Thuận xem xét cho về quê", anh nói.
Ông Nguyễn Đức Hải Tùng, Phó Văn phòng UBND Bình Thuận, cho biết chuyến xe đưa 15 người về quê sẽ xuất phát sáng 15/9. "Hoàn cảnh của họ đáng thương hơn đáng trách, chúng tôi sẽ lo toàn bộ chi phí xe cộ, ăn uống dọc đường cho họ", ông Tùng nói và cho biết tỉnh đã gửi công văn đến 3 tỉnh Quảng Trị, Nghệ An và Hà Tĩnh phối hợp bàn giao người, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Trong khi đó, tại cơ quan công an, bước đầu tài xế xe đông lạnh khai đã nhận chuyển 15 người qua các chốt với giá 700.000 đồng một người. Hai tài xế xe 7 chỗ thừa nhận đã thuê tài xế này chở người từ Long Khánh qua Bình Thuận. Sự việc đang được mở rộng điều tra.
Trước mắt, Thanh tra giao thông Bình Thuận đã ra quyết định xử phạt công ty sở hữu xe đông lạnh ở TP HCM 15 triệu đồng; chủ hai xe 7 chỗ mỗi trường hợp 7,5 triệu đồng về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã đề nghị Tổng cục Đường bộ thu hồi mã QR của xe tải đông lạnh trên (được cấp hôm 13/9).
>> Nghe podcast chia sẻ của cô gái về quê trong xe đông lạnh
Việt Quốc