Nửa tháng trước, trên một tờ báo nước ngoài, tôi đọc được một bài viết của tác giả - là blogger du lịch viết về trải nghiệm thú vị của cô ấy khi đến Sài Gòn. Cô ấy thuê một phòng trong tòa chung cư cũ (có lẽ là chung cư Tôn Thất Đạm, quận 1) và bắt đầu khám phá những điều bình dị của thành phố từ những điều nhỏ bé, cũ kỹ.
Đọc bài viết, tôi giật mình: Phải chăng chúng ta đang mải mê với những biểu tượng mới, của những tòa nhà tráng lệ sáng đèn mỗi đêm, những quán ẩm thực kiểu Nhật, Hàn mới lạ mà đôi khi đã quên bén đi những điều nhỏ bé nhưng vẫn âm thầm tồn tại ở Sài Gòn?
Tôi muốn giới thiệu một chút về cơm tấm Sài Gòn - món ăn mà tôi ăn hoài không thấy chán. Trước cửa một ngôi nhà ở quận 1, gần công ty tôi, cứ khoảng 3h chiều là chị chủ dọn hàng, nhóm than. Do bán theo kiểu "cộng sinh" với nhiều người khác, nên mặt bằng chỉ đủ kê hai chiếc bàn con. Khách muốn đến ăn phải chờ đến lượt - hoặc mua mang đi.
Quán không biển hiệu, không PR rầm rộ trên mạng nhưng ai ăn qua một lần đều trở thành khách ruột.
Dù bé nhỏ và lẩn khuất giữa các hàng quán khác, nhưng vẫn có thể dễ dàng nhận ra từ xa bởi làn khói nướng thịt thơm phức từ những chiếc bếp than. Theo tôi cơm tấm lề đường mang đến cho thực khách một trải nghiệm ẩm thực đậm chất Sài Gòn.
Cơm tấm, hay còn được gọi là "cơm sườn", là sự kết hợp hoàn hảo giữa những hạt tấm dẻo thơm, miếng sườn nướng và nước mắm pha có thêm vài sợi cà rốt thái nhỏ, tất nhiên không thể thiếu mỡ hành. Cơm tấm với tôi đơn giản thế thôi. Dĩ nhiên, nếu ai muốn thêm "topping" như bì, chả, trứng ốp la lòng đào... thì sẵn có.
Giới thiệu cho bạn bè cùng ăn, ai cũng thốt lên: "Không tìm đâu ra miếng thịt nướng ở tiệm nào khác ngon bằng chỗ này". Điểm nhấn của quán nhỏ này, mà theo tôi chị chủ có bí quyết gia truyền chính là cách chế biến sườn: ướp đậm đà, nướng trên bếp than nhưng miếng thịt không khô, khi ăn vẫn mềm và nước mỡ chảy ra nếu cắn trúng.
Quán chỉ có hai, ba cái bán, chủ yếu là bán mang đi cho dân cùng khu phố và khách quen. Vậy mà có lần tôi thấy hai cô gái Nhật kiên nhẫn đứng chờ đến lượt và nhìn cách họ ăn sạch đĩa cơm, mắt long lanh, tôi hiểu vị ngon không cần diễn tả thành lời.
Khi ăn kèm với cơm, sự kết hợp giữa vị ngọt của sườn và vị ngậy của cơm tạo nên một hương vị khó quên. Nếu ăn thêm bì (da heo thái mỏng), chả trứng, và một chén canh nhỏ, tưởng chừng như vị giác được khơi dậy mãnh liệt.
Và đặc biệt, giá cả rất phải chăng: chỉ từ 30 nghìn đồng một dĩa, cơm sườn bì chả 40.000 đồng.
Nếu ví phở là món ăn tinh túy ẩm thực Việt cho món có nước dùng thì cơm tấm xứng đáng giữ ngôi vương cho các món cơm.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi ẩm thực trở thành một phần quan trọng trong trải nghiệm du lịch, cơm tấm lề đường Sài Gòn nên được lựa chọn để trở thành một đại diện tiêu biểu cho ẩm thực đường phố Việt Nam.
Chúng ta phải làm sao để việc thưởng thức cơm tấm ngay trên vỉa hè, ngồi trên những chiếc ghế nhựa nhỏ, nghe tiếng xe cộ, và cảm nhận hương vị của Sài Gòn chính là một trải nghiệm không thể thiếu của các du khách.
Mỗi khi có dịp giới thiệu về thành phố với bạn bè trong và ngoài nước, tôi luôn nhắc đến cơm tấm lề đường như một điểm đến không thể bỏ qua, một phần không thể tách rời của hành trình khám phá văn hóa và ẩm thực Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng.
>>Chia sẻ bài viết truyền cảm hứng của bạn tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Vì sao người Nhật làm du lịch hấp dẫn hay hàng hóa của họ đắt? Vì ngoài chất lượng, họ biết cách kể chuyện hay. Sài Gòn không thiếu những quán ăn lâu đời nhưng chất lượng không thay đổi. Cũng không thiếu những món ăn bình dân nhưng vẫn có thể so kè với thực đơn nhà hàng 5 sao, chẳng hạn như cái tiệm cơm tấm nhỏ bé mà tôi kể.
Khánh Đông