Sáng 15/6, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang thông tin, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã đề xuất giá vé qua trạm thu phí cao tốc nối Long An và Vĩnh Long (đi qua 5 huyện Tiền Giang).
Loại ôtô | Tính theo km (đồng) | Toàn tuyến (đồng) |
Xe dưới 12 chỗ; xe tải dưới hai tấn; xe buýt | 2.100 | 108.000 |
Xe 12-30 chỗ, xe tải từ hai đến dưới 4 tấn | 3.000 | 154.000 |
Xe khách từ 31 chỗ trở lên; xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn | 3.700 | 190.000 |
Xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn, xe container 20 feet | 6.000 | 309.000 |
Xe từ 18 tấn trở lên, xe container 40 feet | 8.400 | 432.000 |
Với phương án này, cao tốc sẽ hoàn vốn trong 14 năm 8 tháng 12 ngày, cứ ba năm giá vé tăng 15%. Theo ông Bon, đây chỉ là mức phí theo phương án tài chính dự án được tỉnh phê duyệt cuối năm 2019. Về quy trình, sau khi các bên đề xuất, Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan cuối cùng phê duyệt.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét chi phí đầu tư và lưu lượng xe thực tế để có quyết định cuối cùng", ông Bon nói.
Lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận cũng lý giải, giá vé nói trên đúng theo quy định Bộ Giao thông Vận tải, không vượt giá trần và nhằm đảm bảo phương án tài chính khả thi.
Mức phí đề xuất của cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tương đương tuyến TP HCM - Trung Lương nằm liền kề (dài 62 km, hoạt động từ năm 2010, phí 1.000 - 8.000 đồng mỗi km, tùy xe). Song về lâu dài phí của cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ cao hơn bởi mỗi ba năm sẽ tăng 15%.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng. Tuyến rộng 16 m, gồm 4 làn xe, giai đoạn đầu không có làn khẩn cấp, thay vào đó mỗi chiều bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp. Giai đoạn mở rộng sau này, cao tốc sẽ nâng lên 6 làn. Hiện, dự án đã được giải phóng mặt bằng cho 6 làn xe.
Tuyến đường hoạt động chính thức từ 30/4. Sau 40 ngày, có gần 800.000 lượt xe đi trên tuyến, trung bình 23.000 lượt xe mỗi ngày đêm, 225 xe hỏng, chết máy nổ lốp và hết xăng dầu.
Hoàng Nam