
Tiêm kích F-35A Nhật hạ cánh sau một chuyến huấn luyện đầu năm 2019. Ảnh: JASDF.
"5 tiêm kích tàng hình F-35A thuộc biên chế Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) từng 7 lần gặp sự cố, buộc phi công hạ cánh khẩn cấp trong giai đoạn từ tháng 6/2017 đến tháng 1/2019. 4 chiếc trong số này do tập đoàn Mitsubishi lắp ráp, máy bay còn lại được Mỹ sản xuất và bàn giao cho JASDF", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya hôm qua cho biết.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết các máy bay đã gặp trục trặc với hệ thống nhiên liệu, thủy lực và một số bộ phận khác. Hai trong 7 sự cố xảy ra trên chiếc tiêm kích gặp nạn mang số đuôi 79-8705, gồm thiết bị cảnh báo của hệ thống làm mát bị kích hoạt bất ngờ và hệ thống định vị gặp vấn đề khi bay vào vùng thời tiết xấu.
JASDF khẳng định các tiêm kích đều được sửa chữa và bảo đảm an toàn trước khi hoạt động trở lại, nhưng sẽ điều tra mối liên hệ giữa loạt sự cố với vụ chiếc F-35A rơi ngoài khơi tỉnh Aomori hôm 9/4. Quân đội Nhật Bản và Mỹ vẫn chưa phát hiện xác tiêm kích F-35A và phi công điều khiển, dù đã triển khai nhiều máy bay và tàu chiến để tìm kiếm trên biển.
Chiếc F-35A biến mất khỏi màn hình radar khi đang huấn luyện bay đêm ngoài khơi tỉnh Aomori, đông bắc Nhật Bản cùng ba tiêm kích khác. Truyền thông Nhật cho biết phi công đã thông báo "đình chỉ bài tập" không lâu trước khi chiếc F-35A biến mất khỏi màn hình radar.
Nhật Bản hồi tháng 12/2011 đặt mua của Mỹ 42 tiêm kích F-35A để thay thế cho các phi đội F-4EJ đã lạc hậu trong biên chế JASDF. Tuy nhiên, Nhật không mua bản quyền để tự chế tạo F-35 mà giao cho tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi lắp rắp với sự hỗ trợ kỹ thuật của Lockheed Martin và dưới sự giám sát của chính phủ Mỹ.
Theo thỏa thuận, 4 chiếc đầu tiên trong hợp đồng được Lockheed Martin chế tạo ở Mỹ và bàn giao cho JASDF, 38 máy bay còn lại được lắp ráp tại nhà máy Mitsubishi ở Nagoya. Bộ Quốc phòng Nhật Bản sau đó tuyên bố ngừng dây chuyền lắp ráp trước năm 2020 để tập trung vào dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, đại tu và nâng cấp (MRO&U) cho dòng máy bay này.
Vũ Anh (Theo Mainichi)