"Thiết bị cảnh báo của hệ thống làm mát được kích hoạt trong một chuyến bay thử nghiệm hồi tháng 6/2017, buộc phi công hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nagoya", Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kenji Harada hôm qua phát biểu trước hạ viện Nhật Bản, tiết lộ các sự cố từng xảy ra trên siêu tiêm kích F-35A bị rơi.
Cuộc điều tra xác nhận một phần hệ thống làm mát của máy bay đã bị hư hỏng. Nhà sản xuất đã thay thế linh kiện để bảo đảm an toàn, chiếc F-35A sau đó cũng được bàn giao cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản và đưa vào biên chế.
"Hệ thống định vị của tiêm kích gặp trục trặc khi nó bay vào vùng thời tiết xấu hồi tháng 8/2018. Phi công phải hạ cánh xuống sân bay quân sự Chitose, nơi có thời tiết nắng đẹp, thay vì địa điểm đóng quân là căn cứ Misawa", Thứ trưởng Harada cho hay, khẳng định thiết bị gặp sự cố đã được sửa chữa và máy bay đủ điều kiện hoạt động trở lại.
Quan chức Nhật Bản không cho biết liệu hai sự cố trên có liên quan đến vụ rơi của chiếc F-35A hay không.
Chiếc F-35A biến mất khỏi màn hình radar tối 9/4 khi đang huấn luyện bay đêm ngoài khơi tỉnh Aomori, đông bắc Nhật Bản cùng ba tiêm kích khác. Nguyên nhân tai nạn chưa được xác định, nhưng truyền thông Nhật Bản cho biết các phi công đã thông báo "đình chỉ bài tập" không lâu trước khi chiếc F-35A biến mất khỏi màn hình radar.
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn Nhật Bản và Mỹ chỉ phát hiện một vệt dầu loang và mảnh vỡ cánh đuôi máy bay sau nhiều ngày quần thảo trên không và trên biển ở khu vực tiêm kích F-35A gặp nạn, cách đất liền khoảng 135 km.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận máy bay bị rơi mang số đuôi 79-8705 thuộc biên chế Phi đoàn tiêm kích chiến thuật số 302, là chiếc F-35A đầu tiên được Nhật Bản tự lắp ráp và xuất xưởng ngày 6/6/2017. Tiêm kích mới chỉ có 250 giờ bay.
"Các thông tin ban đầu cho thấy dường như một số hệ thống trên máy bay gặp sự cố. Điều này rất đáng lo ngại, nó cho thấy điều gì đó đã bị bỏ sót trong quá trình sản xuất", Carl Schuter, cựu giám đốc trung tâm Tình báo Liên hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói.
Vũ Anh (Theo NHK)