"Lực lượng Nga thường xuyên thay đổi chiến thuật, nên tình hình chiến trường luôn biến động", thiếu tá Vadym Voroshylov, một trong những phi công quân sự dày dạn kinh nghiệm nhất của không quân Ukraine, cho biết trong cuộc phỏng vấn ngày 2/4.
Theo thiếu tá Voroshylov, các phi công Ukraine sử dụng tiêm kích MiG-29 có từ thời Liên Xô ngày càng gặp nhiều khó khăn trong đối đầu với không quân Nga, đặc biệt là khi đối phương giăng bẫy bằng lực lượng áp đảo.
"Họ lập bẫy bằng cách điều một tiêm kích đến, lừa phi công Ukraine rằng chỉ có một máy bay Nga ở đó. Khi phi công Ukraine áp sát mồi nhử, 2-3 tiêm kích Nga lập tức xuất hiện từ hai bên, hoàn toàn áp đảo đối phương", Voroshylov cho hay.
Theo thiếu tá Voroshylov, với những chiếc MiG-29 đời cũ trong biên chế, không quân Ukraine không thể làm gì khác ngoài cầm chân đối phương, còn mục tiêu đẩy lùi không quân Nga ngày càng trở nên khó khăn khi họ phải đối đầu với chiến đấu cơ Su-35 hay tiêm kích bom Su-34 hiện đại hơn.
Ukraine đã nhiều lần thúc giục đồng minh phương Tây chuyển giao tiêm kích F-16 để đối phó với không quân Nga, nhưng Mỹ và các nước châu Âu đều từ chối, do lo ngại châm ngòi căng thẳng vượt kiểm soát với Nga. Một số quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu gần đây chỉ đồng ý chuyển tiêm kích MiG-29 cho Ukraine.
Đại tá Volodymyr Lohachov, chỉ huy tác chiến của Bộ tư lệnh Không quân Ukraine, giải thích tiêm kích phải có radar và tên lửa không đối không hiện đại để hoạt động hiệu quả trên không. "Radar trên tiêm kích Nga tốt hơn 4 lần so với của chúng tôi, với tầm hoạt động xa hơn nhiều", Lohachov nói.
"Tên lửa mới của Nga có năng lực cao hơn đáng kể mẫu từ thời Liên Xô, thậm chí ngày càng nguy hiểm hơn. Đôi khi chúng tôi không thể phát hiện được tiêm kích Nga đã phóng tên lửa, điều này rất nguy hiểm cho phi công", đại tá Lohachov thừa nhận.
Theo ông, tiêm kích Nga có thể phóng tên lửa từ khoảng cách 200 km, trong khi phi công Ukraine phải áp sát mục tiêu mới có thể khai hỏa và đối mặt nguy cơ cao hơn.
"Nếu muốn tấn công tiêm kích Nga, chúng tôi phải đến gần tiền tuyến hơn và bay ở tầm thấp, điều này rất nguy hiểm", thiếu tá Voroshylov giải thích thêm.
Theo Voroshylov, Nga có tổng cộng 40 căn cứ không quân với hơn 700 tiêm kích và trực thăng, phần lớn hiện đại hơn so với tiêm kích Ukraine. Các phi công Ukraine cho rằng nếu sở hữu tiêm kích F-16, cơ hội sống sót của họ sẽ cao hơn khi đối đầu với không quân Nga.
Ukraine từng đề nghị mua tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất, song Tổng thống Joe Biden nhiều lần từ chối. Tổng thống Volodymyr Zelensky sau đó đề xuất Thủ tướng Anh Rishi Sunak viện trợ tiêm kích Eurofighter Typhoon.
Thủ tướng Sunak hồi tháng 2 yêu cầu Bộ Quốc phòng Anh nghiên cứu mẫu tiêm kích nào có thể chuyển cho Ukraine, song cảnh báo sẽ mất ba năm để đào tạo phi công điều khiển chúng. Trong khi đó, các phi công Ukraine cho rằng điều này không đúng.
Đại tá Lohachov khẳng định "chỉ mất chưa đầy 6 tháng để huấn luyện phi công" điều khiển F-16 và Ukraine đã lập danh sách những người xuất sắc nhất để học bay tiêm kích này. "Tuy nhiên, một số phi công trong danh sách này đã tử trận", ông Lohachov nói, nhưng không tiết lộ con số cụ thể. "Chúng tôi sẽ mất thêm nhiều phi công nếu tiếp tục phải chờ đợi".
Khi được hỏi liệu tiêm kích phương Tây có thể xoay chuyển cục diện chiến sự hay không, hai phi công Ukraine nhận định điều này khó xảy ra. "Chưa ai có thể nói như vậy", thiếu tá Voroshylov thừa nhận. "Tuy nhiên, chúng sẽ hữu ích trên chiến trường".
Nguyễn Tiến (Theo Telegraph)