"F-16 là vũ khí rất tốt, có thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào", phi công Ukraine Moonfish nói chuyện với phóng viên CNN qua Zoom từ một địa điểm bí mật. Anh đang trong tháng thứ hai của khóa huấn luyện bay tiêm kích F-16, loại chiến đấu cơ hiện đại mà các nước phương Tây cam kết sẽ sớm chuyển cho Ukraine.
Tiêm kích F-16 có thể yểm trợ hỏa lực từ trên không cho bộ binh, tấn công các mục tiêu trên mặt đất, tiêu diệt máy bay địch và đánh chặn tên lửa. Khả năng đa nhiệm của tiêm kích này buộc quân đội các nước phải huấn luyện phi công trong thời gian dài mới có thể làm chủ khí tài.
Nhưng khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang tiếp diễn với mức độ khốc liệt ngày càng tăng, phi công Ukraine không có nhiều thời gian đến thế để làm chủ F-16.
"Chúng tôi sẽ có rất nhiều thời gian để nghiên cứu về loại máy bay này trong thời bình, nhưng hiện không thể làm vậy", anh nói, thêm rằng khóa đào tạo cấp tốc hiện nay chỉ có thể huấn luyện những kỹ năng cơ bản nhất mà các phi công Ukraine cần.
Hồi tháng 8, Mỹ đồng ý cho các đồng minh chuyển giao chiến đấu cơ thế hệ thứ tư F-16 cho Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine ít nhất phải đợi tới đầu năm 2024 để nhận được những chiếc F-16 đầu tiên và các phi công phải gấp rút hoàn thành khóa đào tạo về vận hành loại tiêm kích hiện đại này.
Hơn 20 tháng sau khi phát động cuộc chiến ở Ukraine, Nga vẫn duy trì khả năng chiếm ưu thế trên không bằng lực lượng phòng không, không quân áp đảo. Quân đội Ukraine đã tiến hành chiến dịch phản công quy mô lớn mà không có hỗ trợ từ lực lượng không quân.
"Ngay cả khi chiến sự kết thúc, chúng tôi cũng phải xây dựng sức mạnh không quân với tiêm kích phương Tây và đội ngũ phi công được đào tạo chất lượng. Đây sẽ là biện pháp răn đe hiệu quả nhất để Nga không tiếp tục phát động chiến dịch tấn công như hồi tháng 2 năm ngoái", Moonfish nói.
Yurii Ihnat, phát ngôn viên không quân Ukraine, nói rằng 6 tháng là đủ thời gian để đào tạo phi công F-16 về chiến thuật yểm trợ hỏa lực cho quân đội trên mặt đất và giúp giành lại ưu thế trên không.
Ukraine cũng cần thêm nhiều máy bay chiến đấu mới để đối phó với các mối đe dọa khác từ Nga như tên lửa và máy bay không người lái (UAV). Mùa đông năm ngoái, Moskva đã tiến hành chiến dịch tập kích lớn nhằm làm tê liệt cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, khiến nhiều vùng trải qua mùa đông tối tăm, lạnh giá. Khi mùa đông năm nay cận kề, nhiều người lo ngại Nga sẽ tiến hành chiến dịch tương tự lần nữa.
Tư lệnh không quân Ukraine Mykola Oleshchuk nói rằng hệ thống phòng không của nước này đã đánh chặn khoảng 75% tên lửa hành trình và UAV tấn công. Tuy nhiên, 25% còn lại vẫn lọt lưới phòng không và đánh trúng các mục tiêu ở Ukraine.
"Chúng tôi rất cần các hệ thống phòng không tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, cùng chiến đấu cơ hiện đại để bảo vệ đất nước và giành ưu thế trên không", Oleshchuk nói.
Oleshchuk thêm rằng các tiêm kích từ thời Liên Xô trong biên chế Ukraine đã quá già cỗi và họ đã để mất những chiếc tốt nhất trong số đó sau gần hai năm chiến sự.
Lục quân Ukraine cũng rất mong ngóng tiêm kích F-16. Mose, phó chỉ huy Lữ đoàn Xung kích số 3, nói rằng với sự yểm trợ trên không của F-16, bộ binh Ukraine có thể dễ dàng tiến hành các nhiệm vụ trên mặt đất.
"Đối với bộ binh, những chiếc máy bay này cực kỳ quan trọng trong các cuộc tấn công. Chúng cho phép chúng tôi giành ưu thế trên không và hỗ trợ bộ binh tiến lên bằng cách phá hủy mục tiêu trên mặt đất của địch, làm gián đoạn tuyến hậu cần của đối phương", Mose nói.
Moonfish, từng là chỉ huy phi đội máy bay chiến đấu MiG-19 do Liên Xô sản xuất, kể anh đã sang giai đoạn ngồi vào ghế điều khiển F-16 thay vì buồng lái mô phỏng như trước.
"Buồng lái thực sự của F-16 khá chật", anh nói.
Phi công Ukraine cho biết tiêm kích F-16 có hệ thống điện tử tinh vi, nhưng giao diện đơn giản, dễ sử dụng. Moonfish nói nếu F-16 được chuyển đến Ukraine lúc này, một trong những nhiệm vụ chính của chúng sẽ là đẩy lùi các đợt tấn công bằng UAV và tên lửa của Nga.
"Phần mềm của F-16 liên tục được cập nhật. Các phần mềm của MiG-29 và Su-27 vẫn chưa được nâng cấp từ khi phát triển cuối những năm 1980. Thời kỳ đó, máy bay không người lái chỉ tồn tại trong sách khoa học viễn tưởng. Ý tôi là lúc đó không ai coi máy bay không người lái là mối đe dọa nghiêm trọng có thể cần dùng chiến đấu cơ để phá hủy", anh nói.
Điều khiển F-16 là ước mơ từ lâu của Moonfish và đồng đội Andriy Pilshchikov, phi công nổi tiếng của Ukraine với biệt danh Juice.
Juice, người từng giúp vận động hành lang để Mỹ đồng ý chuyển F-16 cho Ukraine, đã thiệt mạng trong tai nạn máy bay khi làm nhiệm vụ chiến đấu hồi tháng 8.
Moonfish đang ở nước ngoài khi nghe tin đồng đội hy sinh. Anh không thể tham dự đám tang hay nói lời chào cuối cùng với người bạn của mình, song nói rằng sẽ tiếp tục huấn luyện để làm chủ F-16 vì cả Juice và các đồng đội khác.
"Cậu ấy là người đàn ông tuyệt vời và là động lực đằng sau mọi thứ. Tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm với Juice, vì cậu ấy vì đã giúp mang những chiếc máy bay này đến cho Ukraine", Moonfish nói.
Thanh Tâm (Theo CNN)