Máy bay quân sự Mỹ thường xuyên bị tiêm kích Nga và Trung Quốc bám sát trên không phận quốc tế. Đây có thể là trải nghiệm đáng sợ với nhiều phi công, đặc biệt trong các trường hợp được coi là "thiếu an toàn và chuyên nghiệp".
Những tình huống như vậy không xảy ra thường xuyên, nhưng cũng chiếm phần không nhỏ trong những lần chạm mặt trên không giữa lực lượng quân sự các nước. "Tôi trải qua điều đó khá nhiều", đại tá hải quân Erin Osborne, chỉ huy Phi đoàn Tuần tra và Trinh sát số 10 hải quân Mỹ, cho biết.
Tiêm kích hạng nặng Su-35S Nga đã ba lần tiếp cận trinh sát cơ P-8A hải quân Mỹ trên Địa Trung Hải trong năm nay. Washington cáo buộc những hoạt động này là "thiếu chuyên nghiệp".
"Phi công Nga có hành động uy hiếp an toàn, đe dọa tính mạng tổ lái Mỹ khi bay với tốc độ cao trong trạng thái lộn ngược ở cách mũi máy bay Mỹ chỉ 7 m", thông cáo của hải quân Mỹ hôm 15/4 có đoạn viết. Chỉ hơn một tháng sau, Mỹ cáo buộc hai tiêm kích Su-35S Nga áp sát hai bên và hạn chế khả năng cơ động an toàn của máy bay P-8A trong thời gian 64 phút.
P-8A Poseidon là máy bay săn ngầm và tuần thám biển phát triển từ máy bay chở khách Boeing 737-800ERX. Tổ bay của P-8A có 9 người, được trang bị nhiều cảm biến hiện đại, cùng dàn vũ khí gồm ngư lôi, thủy lôi và tên lửa chống hạm Harpoon.
Phi đội P-8A sở hữu khả năng trinh sát, do thám và thu thập dữ liệu tình báo, cũng như năng lực chống tầm ngầm vượt trội mẫu tiền nhiệm P-3C Orion. Điều đó khiến chúng là ưu tiên giám sát hàng đầu trong những chuyến tuần tra gần không phận Nga hay Trung Quốc.
"Chúng tôi biết chắc mình sẽ bị theo dõi. Tôi biết họ sẽ tiếp cận và bám sát để xác định nhiệm vụ của chúng tôi. Phần lớn hoạt động tương tác đều rất chuyên nghiệp", đại tá Osborne nói.
Các tổ bay P-8A không cất cánh với giả định rằng hành động áp sát của tiêm kích Nga, Trung sẽ gây mất an toàn, nhưng họ luôn được chuẩn bị cho kịch bản đó. "Nếu chưa bao giờ bị tiếp cận, bạn sẽ rất lo lắng vì chưa quen việc tiêm kích nước ngoài bay sát với chiếc P-8A. Chúng tôi thường xuyên huấn luyện để tổ lái quen với điều đó", đại tá Osborne cho hay.
Hải quân Mỹ thường sử dụng các tiêm kích trong biên chế như EA-18G Growler để tổ lái P-8A làm quen với những động tác cơ động họ có thể gặp phải. Trong quá trình huấn luyện, phi cơ Growler sẽ lập đội hình bám đuôi chiếc P-8A, đồng thời thực hiện nhiều động tác như đột ngột bay xuống phía dưới.
"Chúng tôi muốn họ nắm được thế nào là quá gần, thiếu chuyên nghiệp và mất an toàn. Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra nếu chưa từng thấy điều đó", Osborne nói.
Trong mỗi lần áp sát, tổ lái Mỹ có rất ít lựa chọn vì chiếc P-8A có kích thước lớn, vận tốc chậm, không có khả năng cơ động như tiêm kích chiến thuật. "Chúng tôi không thể dự đoán họ sẽ làm gì. Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là giúp họ dự đoán hành động của chúng tôi. Không có giải pháp nào khác. Nếu họ nhào lộn quanh chiếc Poseidon, tổ lái không thể và không nên làm bất kỳ điều gì để né tránh. Phương án an toàn nhất là giữ nguyên tốc độ, hướng bay và độ cao", Osborne nói thêm.
Phi công hai bên thường không liên lạc vô tuyến trong những chuyến áp sát, dù có khả năng các tổ lái sẽ giao tiếp qua ánh mắt hoặc cử chỉ. Thời gian diễn ra những hoạt động này cũng tùy thuộc vào nhiệm vụ, nhưng các máy bay sẽ chuyển hướng và trở về căn cứ an toàn khi nhiệm vụ hoàn tất.
Dù vậy, vẫn có một số tai nạn thảm khốc từng xảy ra. Năm 2001, biên đội hai tiêm kích J-8 Trung Quốc tiếp cận trinh sát cơ EP-3E Ares II Mỹ ở khu vực cách đảo Hải Nam khoảng 110 km. Trong lúc áp sát, một chiến đấu cơ J-8 Trung Quốc va chạm với máy bay Mỹ, khiến phi công Wang Wei thiệt mạng, còn chiếc EP-3E hư hỏng nặng, phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam.
Những sự việc như vậy rất hiếm khi xảy ra. Phần lớn hoạt động áp sát, dù là tiêm kích tàng hình F-22 bám theo oanh tạc cơ Nga gần Alaska, hay chiến đấu cơ nước ngoài theo dõi trinh sát cơ Mỹ trên khắp thế giới, đều diễn ra một cách chuyên nghiệp và an toàn.
Vũ Anh (Theo Business Insider)