MiG-29 và F-16 là hai dòng tiêm kích hạng nhẹ nổi tiếng do Liên Xô và Mỹ phát triển. Chúng chưa từng đối đầu với nhau trên chiến trường, nhưng đã có một cuộc chạm trán nảy lửa trong khuôn khổ triển lãm hàng không Farnborough diễn ra vào năm 1988. Bí mật về cuộc đối đầu này chỉ được tiết lộ bởi các phi công thử nghiệm Nga trong một bộ phim tài liệu.
Tiêm kích MiG-29 do phòng thiết kế Mikoyan (Liên Xô) phát triển vào giữa thập niên 1970, song song với dự án tiêm kích hạng nặng Su-27 của Sukhoi. Cặp tiêm kích Su-27/MiG-29 có nhiệm vụ và tính năng tương đương với bộ đôi F-15/F-16 của Mỹ, do vậy chúng thường được đem ra so sánh với nhau.
Tuy nhiên, giới quân sự phương Tây biết rất ít về khả năng tác chiến của MiG-29 và Su-27 so với các dòng máy bay tương đương của Mỹ và NATO. Cơ hội chỉ đến khi Liên Xô bắt đầu áp dụng chính sách mở cửa về quân sự, bắt đầu bằng việc cho các tiêm kích MiG-29 và Su-27 tham gia cuộc triển lãm Farnborough 1988 diễn ra ở Anh.
Bản thân phi công Liên Xô cũng thừa nhận rằng họ không có kinh nghiệm bay biểu diễn như người Mỹ. Hai phi công thử nghiệm hàng đầu của Mikoyan là Anatoly Kvochur và Roman Taskaev đã phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu những động tác biểu diễn của phi công F-16 Mỹ. Từ đó, họ mới xây dựng nên một màn trình diễn đẹp mắt và phô diễn tối đa ưu thế của MiG-29 trước đối thủ.
Một trong những yếu tố được quan tâm nhất chính là thời gian tối thiểu để thực hiện một vòng lượn chiến đấu của máy bay. Thời gian càng ngắn thì máy bay có vòng lượn càng hẹp, giúp chiếc tiêm kích chiếm được lợi thế để tấn công tiêu diệt đối thủ.
Trong quá trình quan sát đối thủ trình diễn trong cuộc triển lãm, các phi công Liên Xô nhận thấy F-16 cần tới 20 giây cho một vòng lượn chiến đấu. Điều này không làm người Liên Xô ấn tượng, bởi họ chỉ cần 18 giây cho một vòng lượn tương tự.
Ngày hôm sau, người Mỹ đáp trả bằng việc thực hiện vòng lượn của F-16 chỉ trong 18 giây, san bằng khoảng cách với đối thủ Liên Xô. Tuy nhiên, các phi công MiG-29 lại tiếp tục ép máy bay của mình tới giới hạn và hoàn thành vòng lượn trong thời gian kỷ lục 16 giây.
Chỉ tới lúc đó, phi công trưởng của General Dynamics, hãng thiết kế chế tạo dòng F-16, mới thừa nhận thất bại của mình trước các phi công MiG-29 của Liên Xô.
Phi công Liên Xô tiết lộ bí mật về cuộc đối đầu với F-16
Với khả năng cơ động đầy ấn tượng như vậy, MiG-29 đã có màn ra mắt thành công tại triển lãm Farnborough 1988. Giới truyền thông Anh đánh giá đây chính là ngôi sao trung tâm của toàn bộ triển lãm, mở ra giai đoạn tỏa sáng của máy bay chiến đấu Liên Xô trên bầu trời châu Âu.
Tiêm kích hai động cơ Mikoyan MiG-29 (định danh NATO: Fulcrum) được đánh giá là một trong những dòng chiến đấu cơ linh hoạt và có khả năng không chiến tầm gần tốt nhất thế giới. MiG-29 có tốc độ tối đa lên tới 2.400 km/h (gấp 2,25 lần tốc độ âm thanh), trần bay 18.000 m, tầm bay 1.430 km. Mẫu MiG-29 cơ bản được trang bị một pháo GSh-30-1 30 mm, 7 giá treo vũ khí và thùng nhiên liệu, mang được tối đa 3,5 tấn vũ khí bao gồm các tên lửa đối không R-27 và R-73 cũng như nhiều loại bom và rocket. Tiêm kích hạng nhẹ một động cơ F-16 Fighting Falcon cũng có khả năng cơ động rất tốt, phù hợp với các trận không chiến tầm gần. Hệ thống điện tử tiên tiến giúp F-16 chiến đấu ngang ngửa với các đối thủ ở tầm trung. F-16 có tốc độ tối đa là 2.120 km/h ở độ cao lớn và không mang vũ khí, trần bay trên 15.240 m, tầm chiến đấu 550 km. Máy bay được trang bị một pháo M61 Vulcan 20 mm, 7 giá treo vũ khí tới tải trọng tối đa là 7,7 tấn. |