Quân đội Nga đang lên kế hoạch trang bị một lớp giáp cho tiêm kích bom Su-34, biến chiếc máy bay này thành một "xe tăng bay" trên chiến trường nhằm thay thế cường kích yểm trợ hỏa lực tầm gần Su-25 ngày càng trở nên lạc hậu, Sputnik mới đây đưa tin.
Su-34 là chiếc tiêm kích bom nặng 45 tấn, có thể hành trình ở tốc độ Mach 1,8 (612 m/s), được thiết kế để mang theo 8 tấn vũ khí và có bán kính tác chiến 4000 km. Máy bay này cũng có thể được trang bị thêm ba bình nhiên liệu phụ giúp bay một mạch 8 giờ không cần tiếp liệu. Su-34 đã nhiều lần xuất kích ném bom phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria trong năm qua.
Theo Valentin Vasilescu, một chuyên gia phân tích quân sự độc lập, sau một năm thử lửa trong các điều kiện tác chiến thực tế chống IS ở chiến trường Syria, các quan chức quốc phòng Nga rút ra kết luận là cần tăng cường năng lực tấn công mặt đất tầm gần cho tiêm kích bom Su-34 để thay thế cho Su-25.
Nếu được biến thành một máy bay yểm trợ đường không tầm gần, Su-34 sẽ có thể tự tin hoạt động trong tầm bắn của các tên lửa đất đối không vác vai, pháo phòng không và hỏa lực hạng nhẹ của địch. Để làm được điều đó, Su-34 cần một lớp giáp để bảo vệ khoang máy bay, động cơ, thùng nhiên liệu và các hệ thống điều khiển. Mái vòm trên khoang lái và cửa trước cũng cần được bọc thép.
Su-34 tấn công mục tiêu
Theo Vasilescu, lớp giáp ngoài của Su-34 sẽ được phủ nylon và lớp titan dày 15-30 mm để ngăn mảnh đạn nổ văng mảnh. Với lớp giáp này, Su-34 đủ khả năng chống chịu các loại đạn xuyên giáp và đạn nổ văng mảnh cỡ 23–57 mm.
Su-34 đã được trang bị các gói đối kháng điện tử hiện đại để đối phó các hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) và các tên lửa dẫn đường radar tầm ngắn. Gói đối kháng điện tử này gồm hệ thống radar cảnh báo sớm L-150 Pastel, ống phóng mồi bẫy nhiệt APP-50 và hệ thống đối phó điện tử KNIRTI SPS-171/L005S trên nóc máy bay.
Ngoài ra, Su-34 còn có một radar mảng pha điện tử thụ động đa mục tiêu phía trước có thể "săn" máy bay địch với tầm hoạt động 200-250 km, radar phía sau và radar bên sườn M402 Pika bên cạnh hệ thống gây nhiễu lưu tần số radio kỹ thuật số L175V/KS418 trên chiến trường.
Theo Vasilescu, với kinh nghiệm bọc giáp cho "xe tăng bay" Su-25, Nga không mấy khó khăn khi trang bị lớp giáp mới cho tiêm kích bom Su-34. Dựa trên thông số về chiều dài, sải cánh và chiều cao tương quan với Su-25, lớp giáp Su-34 sẽ nặng khoảng 800-1000 kg. Quá trình bọc giáp sẽ hoàn tất vào năm 2018 và Nga sẽ có một phi đội 12 chiếc Su-34 thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất.
Là một tiêm kích bom có thể tấn công máy bay địch, Su-34 nhiều khả năng sẽ được trang bị các tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm xa như R-77, R-27 và R-73. Các máy bay Su-34 triển khai ở Syria đã nhanh chóng được tích hợp các tên lửa này sau sự cố Su-24 Nga bị bắn rơi hồi tháng 10 năm ngoái.
Ngoài ra, với lớp giáp mới, Su-34 có thể thực hiện động tác bay vọt lên và hành trình ở độ cao 8.000–12.000 m, giúp phi công làm quen với tình huống chiến thuật trên mặt đất nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị cảm biến trên khoang trước khi bổ nhào xuống để tấn công.
Việc lựa chọn và liên tục theo dõi mục tiêu đã chọn để tấn công được thực hiện nhờ sử dụng hệ thống radar ngắm mục tiêu quang điện tử Platan và radar đường không gắn trên thân đo khoảng cách đến mục tiêu bằng laser từ xa.
Su-34 bọc thép sẽ tấn công các mục tiêu mặt đất từ độ cao 1.000-3.000 m bằng các quả bom nhỏ nặng 50 kg, tên lửa chống tăng không đối đất, rocket S-5 và pháo Gsh-30-1 30 mm.
"Xe tăng bay" Su-34 yểm trợ trên không tầm gần sẽ đảm bảo khả năng hỗ trợ chính xác cho các lực lượng bộ binh chiến đấu chống các nhóm khủng bố mà không lo bị hư hại hoặc tránh được nguy cơ bị bắn rơi, tăng cường đáng kể năng lực tấn công mặt đất của Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga, Vasilescu nhấn mạnh.
Xem thêm: Su-34 Nga xuất kích từ Iran, diệt hơn 150 chiến binh IS
Duy Sơn