Tối 17/12, Vietnam Airlines đã cử một phi công khác theo chuyến bay sang Nhật Bản để thay thế. Phi công Đặng Xuân Hợp tiếp tục bị cấm bay cho đến khi có kết luận từ phía cơ quan chức năng Nhật Bản.
Vietnam Airlines cho hay, Đặng Xuân Hợp là phi công giỏi của hãng được đào tạo tại nước ngoài và đạt được trình độ lái máy bay 777. Do vậy, việc đình bay đối với phi công này cũng là một tổn thất rất lớn đối với hãng, nhất là trong bối cảnh nhân lực hàng không bị khủng hoảng, chi phí đào tạo tốn kém như hiện nay. Theo ước tính, chi phí đào tạo một phi công vào khoảng trên 100.000 đôla.
Nhiều sự cố với phi công của Vietnam Airlines. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trên thực tế, dù Vietnam Airlines áp dụng chính sách ưu đãi rất cao đối với các vị trí phi công hay tiếp viên... song những sự cố tương tự vẫn xảy ra với các đối tượng này. Hồi cuối tháng 6 năm ngoái, hãng cũng quyết định đình bay với 2 phi công thuộc đoàn bay 919 vì vận chuyển trái phép lô hàng mỹ phẩm trị giá khoảng 60 triệu đồng từ Osaka (Nhật Bản) về TP HCM.
Gần đây nhất hồi đầu tháng 5 vừa qua, một nam tiếp viên tham gia chuyến bay VN950 từ TP HCM đi Tokyo Nhật Bản của Vietnam Airlines cũng bị hải quan Nhật tạm giữ vì phát hiện mang theo một lượng lớn tiền yen Nhật và nhiều hàng hóa gồm quần áo, túi xách nhãn hiệu cao cấp trị giá hơn 10.000 USD.
Trước đó một tháng, Vietnam Airlines buộc thôi việc phi công Lại Quốc Việt - người bị nghi liên quan đến đường dây rửa tiền và ma túy lớn tại Australia.
Cũng liên quan đến đường dây rửa tiền này, một phi công của Vietnam Airlines là Trần Đình Đang trong chuyến bay Sydney - TP HCM đã bị cơ quan an ninh Australia bắt tại sân bay do mang ngoại tệ quá quy định (vượt 10.000 USD). Sau đó, Trần Đình Đang đã bị tòa án Australia kết án vì tội đã vận chuyển trái phép tổng cộng 6,5 triệu đôla Australia về Việt Nam.
Hồng Anh