Phi công này tên là Đặng Xuân Hợp, cơ phó trên chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo, Nhật Bản.
Văn phòng Chi nhánh Vietnam Airrlines tại Nhật Bản cho hay cơ quan điều tra sở tại đã tới một số văn phòng của hãng tại sân bay Narita, Osaka, Nagoya và Fukoka để làm việc và yêu cầu hợp tác điều tra. Có thể còn 6 người nữa liên quan đến đường dây này.
Phía Nhật cho biết, từ năm 2006 đến nay, khi vụ việc bị phát hiện, tổng cộng đã có 85 người bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ, với tổng giá trị hàng hóa, quần áo và đồ vật nghi ngờ là bất hợp pháp lên tới 140 triệu yen. Cảnh sát Tokyo cho rằng, phi công Hợp đã mang theo một số đồ vật bị nghi là ăn cắp trong hành lý xách tay.
Nhiều sự cố xảy ra với nhân viên của Vietnam Airlines. Ảnh: Hoàng Hà. |
Người phát ngôn Vietnam Airlines cho hay, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Vietnam Airlines đã yêu cầu các cán bộ Văn phòng Chi nhánh Nhật Bản hợp tác với nhà chức trách và cơ quan điều tra nước này trong quá trình xác minh vụ việc. Quan điểm của hãng là xử lý nghiêm khắc, không bao che đối với các cán bộ, nhân viên liên quan. Nếu kết quả điều tra của nhà chức trách có thẩm quyền Nhật Bản và Việt Nam khách quan, cho thấy nhân viên có vi phạm thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Hồi đầu tháng 5 vừa qua, một nam tiếp viên tham gia chuyến bay VN950 từ TP HCM đi Tokyo Nhật Bản của Vietnam Airlines cũng bị hải quan Nhật tạm giữ vì phát hiện mang theo một lượng lớn tiền Yen Nhật và nhiều hàng hóa gồm quần áo, túi xách nhãn hiệu cao cấp trị giá hơn 10.000 USD.
Trước đó một tháng, Vietnam Airlines buộc thôi việc phi công Lại Quốc Việt - người bị nghi liên quan đến đường dây rửa tiền và ma túy lớn tại Australia.
Cũng liên quan đến đường dây rửa tiền này, một phi công của Vietnam Airlines là Trần Đình Đang trong chuyến bay Sydney - TP HCM đã bị cơ quan an ninh Australia bắt tại sân bay do mang ngoại tệ quá quy định (vượt 10.000 USD). Sau đó, Trần Đình Đang đã bị tòa án Australia kết án vì tội đã vận chuyển trái phép tổng cộng 6,5 triệu đôla Australia về Việt Nam.
Hồng Anh