"Thế giới" riêng của Tổng thống Donald Trump ngày càng chia rẽ khi ông từ chối thất bại trước Biden, người được truyền thông xướng tên là tổng thống thứ 46 của Mỹ.
Những ngày gần đây, Trump phải đối mặt với hàng loạt lời khuyên mâu thuẫn về những điều ông nên làm trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Một số người thân thiết khuyến khích ông tiếp tục cuộc chiến pháp lý tới cùng, trong khi một số khác một mực cho rằng ông nên chấp nhận kết quả để bảo vệ di sản 4 năm qua.
Ngay chính trong gia đình Trump cũng xuất hiện chia rẽ. Đệ nhất phu nhân Melania và con rể Jared Kushner kêu gọi ông suy nghĩ nghiêm túc về kế hoạch rời nhiệm sở, theo hai nguồn tin thân cận với các cuộc nói chuyện này. Nhưng hai con trai Trump là Donald Jr. và Eric tiếp tục đăng nhiều bài chỉ trích bầu cử trên Twitter.
Trong đội ngũ chiến dịch tranh cử, nhiều trợ lý dần chấp nhận thực tế đã thua. Nhưng tại nhiều trụ sở chiến dịch hôm 8/11, các nhân viên dán đầy ảnh các bài đăng Twitter của Trump và ảnh trang nhất tờ Washington Times tuyên bố Al Gore đã đắc cử năm 2000, dù sau đó George W. Bush mới được xác định là người chiến thắng với chênh lệch sít sao.
Một nguồn tin thân cận cho biết ý tưởng xuất phát từ Tim Murtaugh, phát ngôn viên chiến dịch của Trump. Tuy nhiên, Washington Times lập tức chỉ ra rằng "những hình ảnh này đã bị chỉnh sửa" bởi báo không bao giờ đưa chữ "Tổng thống Gore" lên tiêu đề.
Những người thân cận với Trump khác như Phó tổng thống Mike Pence "im hơi lặng tiếng", khiến nhiều đồng minh của Trump bất ngờ.
Đây chính là thế giới của Tổng thống Trump trong 4 năm qua, với đầy chia rẽ và thông điệp mâu thuẫn. Và cách chính quyền Trump đưa ra nhiều quyết định trong nhiệm kỳ của mình có thể được tóm gọn là: khi các nhóm quyền lực cạnh tranh để thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng họ một cách công khai hoặc bí mật, Tổng thống Trump sẽ giải quyết vấn đề theo cách riêng của ông.
Sự chia rẽ đó có thể thấy rất rõ ràng vào sáng 8/11. Khi nhóm chiến dịch của Trump gửi tin nhắn để thúc giục người ủng hộ hỗ trợ tài chính cho nỗ lực đấu pháp lý của ông và Tổng thống đăng bài Twitter cáo buộc gian lận bầu cử, một số đồng minh hàng đầu của ông bắt đầu công khai chúc mừng Biden trở thành lãnh đạo sắp tới. Thậm chí Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người hay ca ngợi Trump, hôm 8/11 đăng tweet nói rằng ông "trông đợi được hợp tác với Biden để tăng cường sức mạnh liên minh đặc biệt giữa hai nước".
Nhiều giờ sau bài đăng của ông Netanyahu, Tổng thống Mỹ đã lặp lại bất bình của ông trên Twitter, cáo buộc truyền thông biết trước kết quả bầu cử.
"Từ bao giờ Truyền thông Què quặt có quyền xướng tên ai là tổng thống Mỹ kế tiếp? Tất cả chúng ta đã học được rất nhiều điều trong hai tuần qua", Trump đăng bài lúc 14h tại câu lạc bộ golf, nơi có rất nhiều người ủng hộ đứng bên ngoài với các bảng biểu, cờ, băng rôn ủng hộ tuyên bố của ông.
"Gian lận bầu cử đang giết nền dân chủ Mỹ", một tấm bảng ghi rõ.
"Chúng tôi muốn Trump", những người ủng hộ hô vang.
Nhưng trong những lần xuất hiện trên truyền hình cuối tuần qua, một số đồng minh Nhà Trắng nổi tiếng dường như không mấy tin vào các tuyên bố gian lận bầu cử của Tổng thống và hoài nghi cuộc chiến pháp lý của ông sẽ mang lại kết quả như mong đợi.
"Tình bạn không có nghĩa là bạn sẽ mù quáng", cựu thống đốc New Jersey Chris Christie, bạn lâu năm của Trump nói rằng không có khả năng Tổng thống có thể đưa ra bằng chứng gian lận bầu cử để biện minh cho việc từ chối thất bại.
"Điều quan trọng là phải sớm nói với tổng thống rằng 'nếu ông từ chối nhận thua vì cho rằng có gian lận bầu cử, hãy cho chúng tôi thấy'", Christie nói với chương trình "This Week" của ABC. "Bởi vì nếu ông không thể chứng minh, chúng tôi không thể làm điều đó. Chúng tôi không thể mù quáng ủng hộ ông mà không có bằng chứng".
Trên Fox News, những khách mời từ lâu ủng hộ Trump và bảo vệ chính quyền ông, cũng tỏ ra nghi ngờ về cuộc chiến pháp lý dài hơi mà Tổng thống cam kết theo đuổi. Cho đến nay, các vụ kiện của chiến dịch Trump ở Michigan, Pennsylvania, Nevada và Georgia thu được rất ít kết quả.
"Chúng ta cần một điều tầm cỡ hơn nếu muốn đánh bại quyết tâm hoặc kết quả bầu cử. Chúng tôi đang chờ đợi bằng chứng đó được đưa ra", Jonathan Turley, giáo sư luật tại Đại học George Washington, người từng là nhân chứng của đảng Cộng hòa trong vụ xem xét bãi nhiệm Trump, nói.
Marc Thiessen, người viết diễn văn cho cựu tổng thống George W. Bush và thường ủng hộ Trump trên Fox News, cũng công nhận Biden là tổng thống đắc cử. Đồng thời, ông hy vọng đại diện của đảng Dân chủ có thể đoàn kết mọi người.
Một số trợ lý của Trump, người từng dành nhiều tuần trước thềm bầu cử để bảo vệ Tổng thống, cũng tránh xuất hiện trên truyền hình, vì lo ngại vi phạm Đạo luật Hatch, trong đó cấm quan chức chính phủ tham gia hoạt động đảng phái. Dù trước ngày 3/11, rào cản này hầu như không phải điều khiến họ bận tâm.
Tuy nhiên, việc đồng minh hàng đầu Pence "im hơi lặng tiếng" mới thực sự khiến nhiều trợ lý chiến dịch của Tổng thống Trump ngạc nhiên.
"Mike Pence đang ở nơi quái quỷ nào?, một quan chức cấp cao trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ gửi tin nhắn chiều 8/11, khi chỉ ra Phó tổng thống đã không có hành động gì sau bài đăng Twitter duy nhất ngày 5/11, kêu gọi tính "mọi lá phiếu hợp pháp".
Nhiều nguồn tin thân cận cho biết Pence vẫn ở Nhà Trắng với Trump, nhưng tránh xuất hiện công khai.
Trong khi đó, một số đồng minh khác của Trump đồng tình với tuyên bố của Tổng thống khi xuất hiện trên chương trình ngày 8/11 của Fox News.
"Thành thật mà nói tôi nghĩ rằng đây là cuộc bầu cử bị đánh cắp", Cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich khẳng định Biden "sẽ phải làm rất nhiều để thuyết phục phe Cộng hòa" rằng không có gian lận bầu cử.
Một số thành viên Cộng hòa khác cho rằng việc truyền thông xướng tên Biden vào sáng 7/11 là quá vội vàng. Thượng nghị sĩ bang Missouri Josh Hawley nói rằng người Mỹ sẽ biết ai là người chiến thắng "khi tất cả phiếu bầu hợp pháp được kiểm đếm, kiểm phiếu lại kết thúc và cáo buộc gian lận được giải quyết". Còn Steve Scalise, lãnh đạo phe Thiểu số Hạ viện, khẳng định "bầu cử chưa kết thúc" cho tới khi giải quyết xong các vụ kiện của Tổng thống.
Trong khi tán thành quyết định theo đuổi các vụ kiện tụng, đội pháp lý của Trump cũng khuyên rằng ông nên tránh lên án việc chuyển giao quyền lực, đồng thời nghĩ ra nhiều cách để Trump có thể nhượng bộ mà không cần thừa nhận đã thua.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ dường như còn lâu mới sẵn sàng cho điều này. Sau khi từ câu lạc bộ golf trở về Nhà Trắng chiều 8/11, ông đăng Twitter một bài viết từ trang Breitbart News về nhóm điều tra được cử tới một hạt ở Georgia cuối tuần qua, sau khi quan chức phát hiện có vấn đề về quá trình kiểm phiếu. Bài viết kết luận rằng vấn đề đã được giải quyết.
Thanh Tâm (Theo Politico)