Tỷ lệ tử vong trên 50%
Ghi nhận tại Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nhiều bệnh nhân là trẻ em và người cao tuổi nhập viện điều trị vì biến chứng viêm phổi nặng do vi khuẩn phế cầu. Anh Nguyễn Văn Thế (35 tuổi, con trai của một bệnh nhân nam 60 tuổi) cho biết ba anh đã cao tuổi, sức khỏe yếu nên luôn cẩn trọng đề phòng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. "Tuy nhiên, bên cạnh Covid-19, còn nhiều virus, vi khuẩn truyền nhiễm khác cần phòng ngừa. Khi ba nhập viện do viêm phổi tôi thấy sức khỏe của ông bị giảm sút rất nhiều. Bác sĩ cũng cho biết, phổi của ông bị tổn thương nặng, cần điều trị dài ngày", anh Thế cho hay.
Theo BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Viêm phổi do phế cầu khuẩn cực kỳ nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong lên tới 50% ở nhóm đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ và người già. Việt Nam là một trong 15 quốc gia chiếm 75% gánh nặng về viêm phổi trên toàn thế giới và cũng là môi trường có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Ba ngày trước, con gái 5 tuổi của chị Hà (40 tuổi, ở Tây Ninh) có biểu hiện sốt, biếng ăn, quấy khóc. Chị Hà nghĩ do thời tiết thay đổi khiến bé bị ốm vặt nên tự mua thuốc hạ sốt điều trị cho con. Sau đó, bé ho nhiều, cơn ho dồn dập, vã mồ hôi, thở nhanh. Đến bệnh viện bé được chẩn đoán bị biến chứng viêm phổi nặng do vi khuẩn phế cầu. Trước đó, bé không được tiêm vaccine phòng vi khuẩn phế cầu và các vaccine phòng bệnh hô hấp khác.
"Tôi không ngờ tình trạng của con lại diễn tiến nặng nhanh đến như vậy. Nếu tôi đưa con đi tiêm vaccine phòng bệnh từ đầu thì đã không bị mắc bệnh và nằm viện, không bị di chứng về sau", chị chia sẻ. Tuy nhiên phế cầu khuẩn không chỉ tấn công trẻ em như con chị Hà.
"Phế cầu tàn phá phổi không kém Covid-19. Bệnh có triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên thường bị xem nhẹ, hoặc dễ nhầm lẫn với Covid-19 khiến bỏ sót điều trị, từ đó người bệnh dễ diễn tiến nặng, phổi bị tàn phá nặng nề dẫn đến tử vong", BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cảnh báo.
Tiêm vaccine phòng phế cầu, tránh đồng nhiễm Covid-19
Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, phế cầu là vi khuẩn thường trú trong hầu họng của người lớn và trẻ em, lan truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt hơi) và lây lan thông qua việc tiếp xúc với người bị bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong người. Nhiễm vi khuẩn phế cầu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, điển hình là viêm phổi. Bệnh có biểu hiện cấp tính là ho nhiều, ớn lạnh, sốt cao, vã mồ hôi, đau ngực, đau cơ, mệt mỏi và ho, thở nhanh...
Ngoài ra, vi khuẩn phế cầu còn gây ra một loạt biến chứng khác như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa. Đặc biệt, theo bác sĩ Chính vi khuẩn này đang gia tăng mức độ đề kháng với các loại kháng sinh, gây khó khăn và tốn kém trong điều trị. Nếu may mắn điều trị khỏi, người bệnh vẫn có nguy cơ cao chịu đựng những di chứng bệnh tật nặng nề.
Theo BS Chính, vi khuẩn phế cầu hiện có thể được phòng ngừa tốt bằng vaccine Prevenar 13 do Bỉ sản xuất. Các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, người mắc bệnh lý nền (COPD, tim mạch, huyết áp, tiểu đường...) cần chủng ngừa sớm nhất có thể.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần chủng ngừa đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như cúm, ho gà - bạch hầu - uốn ván để tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ lá phổi trước đại dịch.
"Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tăng trở lại với biến thể Omicron, việc chủng ngừa đầy đủ các loại vaccine sẽ giúp bảo vệ tối đa đường hô hấp và lá phổi, tránh đồng nhiễm cùng Covid-19, loại trừ những triệu chứng dễ nhầm lẫn với Covid-19", BS Chính cho hay.
Anh Ngọc