Tuyên bố được đưa ra hôm 1/6. Hãng dược này tìm cách bào chế thuốc dưới dạng bột khô, có thể pha loãng để sử dụng cùng máy phun khí dung. Đây được coi là phương pháp tiện lợi, bởi máy phun sẽ giúp thuốc đi trực tiếp vào đường hô hấp trên, nơi khu trú chủ yếu của nCoV.
Remdesivir dạng xông dùng cho bệnh nhân trong giai đoạn đầu mà không cần nhập viện, giúp ngăn ngừa virus nhân lên.
Thuốc của Gilead không thể điều chế dưới dạng viên, vì chứa các thành phần hóa học gây suy gan. Trong khi đó, biện pháp tiêm tĩnh mạch chỉ có thể thực hiện tại bệnh viện.
Đến nay, remdesivir là một trong số ít thuốc kháng virus được chấp thuận để điều trị Covid-19. Dù rất hứa hẹn, Michael Yee, chuyên gia phân tích của tập đoàn đầu tư, phát triển Jefferies, cho biết quá trình nghiên cứu chỉ đang ở giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, nhu cầu người dùng có thể còn hạn chế bởi những bệnh nhân Covid-19 nhẹ và trung bình chưa chắc cần dùng đến remdesivir.
Đối với các ca nặng nhưng không phải thở máy, thuốc giúp rút ngắn thời gian nằm viện khoảng 5 ngày. Gilead đang tìm cách điều trị cho các bệnh nhân nhẹ, trong giai đoạn đầu. Các thuốc chống siêu vi khác như Tamiflu hiệu quả nhất nếu sử dụng càng sớm càng tốt, ngay sau khi nhiễm viurs.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, remdesivir là một trong những loại thuốc tiềm năng điều trị Covid-19. Tuy nhiên, hôm 22/5, Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAD) công bố dữ liệu chi tiết của nghiên cứu giai đoạn hai, cho thấy phải dùng chung thuốc với phương pháp khác mới đủ hiệu quả.
Hai hãng dược lớn là Roche và Eli Lilly and Company đang thử nghiệm kết hợp remdesivir cùng nhiều loại thuốc để đánh giá độ hiệu quả. Nghiên cứu tương tự cũng diễn ra tại Hong Kong. Kết quả cho thấy tải lượng nCoV ở các bệnh nhân nhẹ và trung bình giảm đáng kể. Họ âm tính sau 7 ngày, nhanh hơn gấp đôi so với nhóm còn lại, chỉ dùng remdesivir.
Covid-19 đến nay chưa có phương pháp điều trị chính thức. Trên thế giới có khoảng 72 thử nghiệm lâm sàng đang gấp rút diễn ra. Ngày 30/5 vừa qua, Bộ Y tế Nga đã phê duyệt thuốc cúm do công ty Nhật phát minh nhằm chống nCoV, sau khi thử nghiệm sơ bộ cho thấy các bệnh nhân nội trú được uống thuốc hồi phục nhanh hơn.
Thục Linh (Theo Reuters)