Thông báo được đại diện công ty đưa ra ngày 2/6, thuốc tạm gọi là "LY-CoV555".
Trong giai đoạn đầu, các nhà khoa học sẽ kiểm tra độ an toàn của thuốc và mức dung nạp từ bệnh nhân. Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm là người mắc Covid-19, nhập viện tại Trường Y Grossman, trực thuộc Đại học New York, Bệnh viện Cedars-Sinai và Bệnh viện Đại học Emory.
Nếu kết quả khả quan, thuốc có thể ra mắt vào cuối mùa thu.
"Đến nay, các nhà khoa học khác đã cố gắng sử dụng nhiều loại thuốc, vốn dành cho bệnh khác, xem liệu chúng có tác dụng đối với người mắc Covid-19 hay không. Ngay khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đã bắt tay điều chế phương thuốc hoàn toàn mới, đặc trị căn bệnh này. Giờ nó đã sẵn sàng để thử nghiệm trên bệnh nhân", tiến sĩ Dan Skovronsky, phó chủ tịch kiêm giám đốc khoa học của Eli Lilly, cho biết.
Liệu pháp kháng thể vốn được coi là niềm hy vọng trong cuộc chiến chống Covid-19. Truyền huyết tương - dịch lỏng còn lại sau khi các tế bào máu được lọc ra - có thể làm tăng phản ứng chống lại virus ở người, giúp hệ miễn dịch trở nên mạnh mẽ hơn. Phương pháp này từng được sử dụng để điều trị bệnh bại liệt, sởi, quai bị và cúm.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học trên thế giới thử nghiệm loại thuốc dựa trên kháng thể người từng nhiễm nCoV.
Các nhà khoa học tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cũng như công ty AbCellera, đối tác của Eli Lilly trong dự án này, đã thu thập mẫu máu từ một trong những người khỏi Covid-19 đầu tiên ở Mỹ, lọc tách hàng trăm kháng thể từ hàng triệu tế bào.
Sau đó, họ chọn ra những kháng thể mạnh nhất để điều chế thuốc, còn được gọi là liệu pháp kháng thể đơn dòng.
Hiện chưa rõ liệu thuốc hiệu quả trên bệnh nhân Covid-19 hay không. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Skovronsky, nó có thể ngăn ngừa virus xâm nhập tế bào khi nghiên cứu tại phòng thí nghiệm. Dữ liệu chưa được công bố, nhưng dựa trên kết quả này, cơ quan quản lý đã "bật đèn xanh" để các nhà khoa học tiến hành các bước tiếp theo và chuẩn bị thử nghiệm trên người.
Nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp ngẫu nhiên, có kiểm soát giả dược và "mù đôi", tức là cả bệnh nhân và bác sĩ đều không biết mình phân phát hay sử dụng loại thuốc nào. Kết thúc giai đoạn một, các nhà khoa học sẽ so sánh tình trạng sức khỏe của cả hai nhóm bệnh nhân có và không dùng thuốc. Đây đươc coi là "tiêu chuẩn vàng", đảm bảo tính khách quan tuyệt đối của thử nghiệm lâm sàng.
Nếu có hiệu quả, công ty sẽ chuyển sang giai đoạn hai trong vài tuần, với sự tham gia của nhiều bệnh nhân hơn, bao gồm người không nhập viện.
Hãng cũng có kế hoạch nghiên cứu các loại thuốc phòng ngừa, dành riêng cho nhóm dễ mắc Covid-19, nhưng không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm vaccine, chẳng hạn người già, người bệnh mạn tính hoặc bị suy giảm miễn dịch trước đó.
Eli Lilly đã bắt đầu sản xuất thuốc với số lượng lớn, đủ đáp ứng thử nghiệm và nhu cầu sử dụng sau đó nếu cần thiết.
"Nếu nó có tác dụng, chúng tôi không muốn lãng phí dù chỉ một ngày, hy vọng có thêm càng nhiều loại thuốc hiệu quả càng tốt", ông Skovronsky nói.
Thời gian tới, công ty cho biết sẽ thử nghiệm song song các kháng thể khác nhau và tìm ra loại hiệu quả nhất. Dù vậy, kịch bản khả tối ưu là sử dụng lượng kháng thể tương đối thấp.
"Càng nhiều loại được trộn với nhau, liều càng cao thì càng khó sản xuất. Nếu chỉ cần dùng hai hoặc ba kháng thể, với liều cao hơn, chúng tôi sẽ làm mọi cách để điều chế phương thuốc hiệu quả", tiến sĩ Skovronsky khẳng định.
Eli Lilly hiện không phải đơn vị duy nhất nghiên cứu phương pháp điều trị Covid-19 bằng kháng thể. Một số hãng dược khác ở Mỹ cũng hứng thú với lĩnh vực này. Công ty công nghệ sinh học Regeneron Enterprises kỳ vọng tiến hành thử nghiệm lâm sàng trong tháng 6 và được chấp thuận điều trị vào cuối mùa hè.
"Cách tiếp cận đầy hứa hẹn và đó là điều chúng ta cần", tiến sĩ Peter Hotez, chuyên gia về vaccine, Đại học Y Baylor, nhận định.
Ông cho biết thách thức đối với các nhà khoa học là các giai đoạn phát triển của Covid-19, bao gồm nhiễm bệnh và phản ứng viêm. Liệu pháp kháng thể chỉ hiệu quả nếu sử dụng sớm, khi virus đang nhân lên.
"Đây vẫn luôn là nhược điểm của việc điều trị bằng kháng thể đơn dòng. Nếu bạn đợi quá lâu, khi bệnh nhân đã phải sử dụng máy thở, thuốc không có bất cứ tác dụng lâm sàng nào", ông Hotez nói.
Bên cạnh đó, đây là phương pháp khá đắt đỏ, thường mất nhiều năm phát triển. Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch, các công ty nỗ lực tăng tốc để đuổi kịp với nhu cầu của cộng đồng. Quá trình phê duyệt cũng trở nên nhanh chóng, chỉ mất vài tuần, đôi khi là một ngày.
Thục Linh (Theo CNN)