Phát triển bền vững là một quá trình phát triển nhằm đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng này của các thế hệ tương lai.
Khái niệm phát triển bền vững định nghĩa lần đầu trong báo cáo "Brundtland Report" của Liên Hợp Quốc năm 1987. Trong đó khái niệm này được mô tả dựa trên ba trụ cột chính là kinh tế, xã hội, môi trường.
Về kinh tế, mục tiêu là đảm bảo tăng trưởng ổn định và lâu dài, tạo nền tảng cho sự thịnh vượng bền vững. Về xã hội, phát triển bền vững nhấn mạnh vào việc xóa đói giảm nghèo, tạo ra sự công bằng và nâng cao chất lượng cuộc sống, với trọng tâm là cải thiện dịch vụ cơ bản như giáo dục và y tế cho mọi người. Về môi trường, các hoạt động phát triển cần bảo vệ và phục hồi tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm và bảo tồn đa dạng sinh học, từ đó duy trì sự sống bền vững cho các thế hệ tương lai.
Đến 2015, Liên Hợp Quốc thông qua Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs). Tài liệu này gồm 17 mục tiêu cụ thể, từ chấm dứt đói nghèo, bảo vệ môi trường đến bảo đảm giáo dục chất lượng, được xem như định hướng phát triển bền vững cho toàn cầu đến năm 2030. Xu hướng phát triển bền vững các lĩnh vực được áp dụng khác nhau, cụ thể:
Nông nghiệp
Nông nghiệp bền vững tập trung vào việc cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm hóa chất độc hại và bảo vệ đa dạng sinh học. Việc sử dụng phân bón hữu cơ, các hệ thống canh tác thông minh và tưới tiêu hiệu quả giúp giảm lượng nước sử dụng và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Nông nghiệp hữu cơ đã tăng trưởng trung bình 12% mỗi năm, đặc biệt tại các quốc gia phát triển như Mỹ và châu Âu. FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) cho biết nông nghiệp thông minh và nông nghiệp tuần hoàn giúp tiết kiệm 30-50% lượng nước và giảm tới 20% phát thải khí nhà kính so với phương pháp truyền thống. Ngoài ra, giảm lãng phí thực phẩm là hướng đi được khuyến khích bởi mỗi năm có khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí, gây thiệt hại kinh tế lên đến 1.000 tỷ USD và tác động đáng kể đến khí hậu.
Công nghiệp
Ngành công nghiệp ngày càng áp dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chất thải và nâng cao hiệu suất. Các nhà máy thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT),và dữ liệu lớn để giám sát, dự đoán và điều chỉnh sản xuất tự động. Xu hướng này giúp giảm khí thải, giảm lượng tài nguyên sử dụng và cải thiện chất lượng sản phẩm. Ở Việt Nam, các khu công nghiệp bền vững như VSIP đang nỗ lực kết hợp các công nghệ này để nâng cao tiêu chuẩn môi trường.
Năng lượng
Năng lượng là một lĩnh vực quan trọng trong phát triển bền vững. Để giảm thiểu khí thải carbon và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, các quốc gia đang chuyển đổi mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, và điện sinh khối.
Theo IEA (Cơ quan Năng lượng Quốc tế), năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng 29% sản lượng điện toàn cầu và dự kiến đạt 50% vào năm 2050. Các quốc gia như Đức, Mỹ và Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào năng lượng mặt trời, gió và sinh khối để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Tài chính
Tài chính xanh đang phát triển mạnh với các hình thức tín dụng xanh, đầu tư ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và phát hành trái phiếu xanh. Theo báo cáo của Climate Bonds Initiative, lượng trái phiếu xanh phát hành toàn cầu đạt 500 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Nhiều ngân hàng như HSBC và Standard Chartered đã cam kết cung cấp hàng trăm tỷ USD cho các dự án phát triển bền vững và xanh, từ năng lượng tái tạo đến cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, xu hướng đầu tư ESG ngày càng được ưa chuộng với tổng tài sản quản lý theo tiêu chí ESG đạt hơn 40.000 tỷ USD trên toàn cầu.
Công nghệ
Ngành công nghệ thông tin đang nỗ lực giảm thiểu dấu chân carbon và thúc đẩy công nghệ số hóa bền vững. Theo báo cáo từ International Data Corporation (IDC), việc áp dụng các giải pháp công nghệ xanh có thể giúp các công ty tiết kiệm đến 20-30% chi phí vận hành. Công nghệ điện toán đám mây, chẳng hạn như Amazon Web Services (AWS), tiết kiệm năng lượng lên đến 80% so với các trung tâm dữ liệu truyền thống nhờ cơ sở hạ tầng được tối ưu hóa và tích hợp với năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, các quốc gia đang khuyến khích tái chế rác thải điện tử - một vấn đề cấp bách. Theo báo cáo của Global E-waste Monitor, năm 2019, thế giới đã tạo ra 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, chỉ 17,4% trong số đó được thu gom và tái chế chính thức.
Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp lớn như Apple đã triển khai robot tái chế Daisy, có khả năng tháo rời và xử lý 200 chiếc iPhone mỗi giờ để tái sử dụng các linh kiện, giúp giảm thiểu khai thác tài nguyên mới và giảm lượng rác thải.
Giao thông vận tải
Ngành giao thông đang hướng tới việc sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường, như xe điện và hệ thống giao thông công cộng thông minh.
Điện khí hóa giao thông đang được đẩy mạnh với doanh số xe điện toàn cầu dự kiến tăng từ 10 triệu chiếc vào năm 2023 lên 145 triệu chiếc vào năm 2030. Ứng dụng các công nghệ như xe tự lái và chia sẻ xe cũng đang dần phát triển nhằm giảm tắc nghẽn giao thông và tối ưu hóa năng lượng.
Xây dựng
Việc phát triển đô thị xanh và không gian xanh công cộng giúp giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe cư dân. Các dự án bất động sản ngày càng chú trọng đến việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, như gạch tái chế và sơn không chứa hóa chất độc hại, đồng thời đạt các chứng nhận bền vững như LEED, BREEAM. Ngành xây dựng đang chuyển đổi sang các tiêu chuẩn xây dựng xanh nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.
Báo cáo của World Green Building Council cho biết các tòa nhà xanh tiết kiệm từ 30-40% năng lượng và giảm 20% lượng nước tiêu thụ so với các tòa nhà thông thường.
Thương mại và tiêu dùng
Người tiêu dùng hiện đại ngày càng quan tâm đến sản phẩm và dịch vụ bền vững. Báo cáo của Nielsen cho thấy 73% người tiêu dùng toàn cầu sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm bền vững.
Từ đó, các công ty lớn chuyển đổi chiến lược để đáp ứng nhu cầu này. Chẳng hạn, Unilever đã công bố rằng các sản phẩm bền vững của họ đạt mức tăng trưởng 29% nhanh hơn so với các sản phẩm truyền thống, đóng góp vào hơn 70% tổng tăng trưởng doanh thu của công ty.
Các doanh nghiệp dịch vụ tiêu dùng như IKEA, Starbucks cũng đang áp dụng chính sách truyền thông xanh và giảm thiểu bao bì nhựa. Starbucks cam kết loại bỏ toàn bộ ống hút nhựa vào năm 2023, trong khi IKEA tuyên bố sẽ sử dụng 100% vật liệu tái chế và tái tạo trong tất cả các sản phẩm của mình vào năm 2030.
Thái Anh