"Tôi xem video, nhiều người người quay xe bỏ chạy khi đi ngược chiều gặp cảnh sát giao thông, cuối cùng một em nữ sinh viên bị giữ lại. Khóc lóc trông cũng thương.
Tôi tin những người thoát được sẽ không vì thấy cô bé kia bị phạt mà nghiêm túc chấp hành hơn.
Cá nhân tôi thấy việc phạt bao nhiêu không quan trọng bằng phạt công bằng, phạt đầy đủ. Cái tâm lý sao tôi bị phạt mà nhiều người khác không bị là một thứ khó chịu.
Hàng trăm người vượt đèn đỏ mà mỗi mình bị phạt vì CSGT chỉ bắt được mỗi mình. Chẳng cần phạt đến 5 triệu, chỉ cần phạt 500 nghìn đồng mà hệ thống phạt nguội đầy đủ, gửi phiếu, trừ điểm giấy phép lái xe tất cả các trường hợp thì tôi tin là ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành".
Độc giả Nguyễn Lê Sơn nêu quan điểm như trên, cho rằng chẳng cần mức tiền phạt cao, chỉ cần ai vi phạm cũng bị phạt, nhờ vào hệ thống camera, sẽ có tính răn đe mạnh mẽ hơn.
Bình luận này được viết sau bài Rón rén dừng đèn đỏ. Trong bài viết này, tác giả cho rằng: Không thể phủ nhận rằng tình trạng giao thông Việt Nam đã đến lúc cần giải pháp mạnh mẽ. Chỉ riêng hành vi vượt đèn đỏ trong năm 2024 đã khiến 122 người chết và 301 người bị thương. Những con số đau lòng này cho thấy mức phạt cao là cần thiết để tạo tính răn đe và thiết lập trật tự giao thông.
Dẫu vậy, vẫn cần cách tiếp cận linh hoạt hơn, như áp dụng mức phạt lũy tiến với người tái phạm hoặc xem xét hoàn cảnh vi phạm lần đầu. Một hệ thống dữ liệu dân cư hoàn chỉnh có thể giúp triển khai hiệu quả hơn".
Sau khi áp dụng Nghị định 168/2024, nhiều vi phạm như leo lề, vượt đèn đỏ bị tăng tiền phạt cao đã gây tranh luận. Nhiều người ủng hộ với quan điểm "chạy đúng luật thì sao phải sợ", độc giả Lê Hoàng nói:
"Tôi cho rằng mức phạt phải đủ tính răn đe để nhiều người không dám vi phạm pháp luật. Nếu mức phạt quá nhẹ kiểu như: đi xe ngược chiều trên cao tốc, dựng rạp lấn chiếm gần hết cả con đường giao thông... mà chỉ phạt vài trăm ngàn đồng thì chẳng ai sợ.
Họ sẽ liên tục tái phạm bởi số tiền đó với họ không có nghĩa lý gì, không đủ tính răn đe và họ sẵn sàng dám vi phạm pháp luật.
Thế nhưng nếu phạt vài triệu, vài chục triệu thì tất cả mọi người sẽ phải ý thức hơn và không dám coi thường pháp luật, buộc phải chấp hành nghiêm luật pháp và xã hội tất sẽ tốt hơn rất nhiều.
Ví dụ khi nâng mức phạt giao thông như hiện nay thì không ai dám vượt đèn đỏ như trước kia nữa. Trước đây ở các ngã tư đang là đèn đỏ thế nhưng hàng chục chiếc xe máy, xe thồ vẫn ngang nhiên vượt trắng trợn và họ phóng tốc độ cao lạng lách nên cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng người đi đường.
Tuy nhiên, song hành với mức phạt bảo đảm đủ tính răn đe thì việc duy trì mới là điều quan trọng hơn cả mức phạt bởi hiện tại pháp luật đã có nhiều quy định xử lý các hành vi ví dụ như: xe công nông tự chế hoặc xe chở các cọc sắt tôn sắt chạy ngoài đường, lấn chiếm vỉa hè trái phép, vứt rác và chất thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường...
Nhưng thực tế hiếm thấy có lực lượng chức năng nào duy trì, xử lý, xử phạt nên các hành vi vi phạm pháp luật như vậy vẫn xảy ra tràn lan".
*Xem chi tiết những lỗi vi phạm giao thông tăng mức phạt 20-30 lần từ năm 2025
Hữu Nghị tổng hợp