"Nuốt vướng là dấu hiệu hay gặp do bệnh lý đường tiêu hóa như viêm họng, viêm thực quản trào ngược, viêm dạ dày, nhưng tình trạng kéo dài là cảnh báo bệnh nguy hiểm như ung thư, không được chủ quan", bác sĩ Lê Văn Khoa, Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, nói.
Nuốt vướng là cảm giác có vật gì trong cổ mắc lại, không trôi, gây khó chịu. Thông thường, người bệnh có những triệu chứng như nuốt vướng thường xuyên hoặc tăng dần, vướng khi ăn uống, có thể nghẹn và sặc... Nuốt vướng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh ung thư nguy hiểm như ung thư vùng khoang miệng, họng miệng, hạ họng, hạ họng - thanh quản; ung thư thực quản; ung thư tuyến giáp.
Đơn cử như ông Sinh 64 tuổi, nuốt vướng, đau bụng vùng thượng vị, nghĩ do bệnh viêm họng nên tự mua thuốc uống không khỏi, bác sĩ khám phát hiện ung thư thực quản.
Tiền sử ông Sinh uống rượu nhưng không hút thuốc lào, thuốc lá, gia đình không ai mắc bệnh ung thư. Ảnh nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng cho thấy bệnh nhân tổn thương loét bề mặt, kích thước xấp xỉ 10x12 mm. Trong khi nội soi, bác sĩ kết hợp sinh thiết bệnh phẩm xác định ung thư thực quản, ngay sau đó bênh nhân được chỉ định chữa kết hợp hóa trị và xạ trị.
Tương tự, ông Chiến 72 tuổi, nuốt vướng kèm theo ho khan, có đờm ở cổ, hụt hơi, khó thở chủ yếu về đêm, cảm giác tức nặng vùng ngực bên phải. Kết quả siêu âm, xét nghiệm, chụp CT, xác định bệnh nhân ung thư phổi, di căn màng phổi.
Bác sĩ Khoa cảnh báo cần đi khám ngay khi cơ thể có dấu hiệu bất thường như nuốt nghẹn, nuốt vướng kéo dài, khàn giọng, ợ hơi, khạc đờm... Đây là những dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý về đường tiêu hóa như viêm thực quản trào ngược, viêm dạ dày, nghiêm trọng hơn là đến 70-80% trường hợp được chẩn đoán ung thư thực quản.
"Các dấu hiệu bất thường khác như tăng cân, sụt cân, tức ngực, đau đầu, mất ngủ... có thể xảy ra ở nhiều bệnh lý, nên khi xuất hiện dấu hiệu cần đi khám ngay để kiểm soát sức khỏe kịp thời", bác sĩ Khoa khuyên và nói thêm phòng bệnh bằng cách tập thể dục thường xuyên, vừa sức với cơ thể.
Tăng sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng đa dạng, tăng cường rau xanh và hoa quả. Bỏ thói quen xấu ảnh hưởng sức khỏe như hút thuốc lá, uống bia rượu, ngủ quá khuya. Tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng, đây là nguyên nhân gây bệnh lý đường hô hấp, nhất là ung thư phổi.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ được xem như "chìa khóa vàng", đặc biệt với ung thư bởi phát hiện càng sớm tỷ lệ chữa khỏi càng cao. Bác sĩ khuyên nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc một năm một lần.
Lê Nga