Chủ đề Vinashin tiếp tục được nhiều đại biểu đề cập trong ngày thứ 2 Quốc hội thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội. Chưa thực sự đồng tình với giải thích của một số thành viên Chính phủ trong phiên làm việc trước, cho rằng những thiếu sót trong giám sát, kiểm tra Vinashin phần lớn là do cơ chế, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) đặt câu hỏi: “Cơ chế là do ai đặt ra? Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?”…
Chia sẻ nhức nhối này, đại biểu Hoàng Văn Toàn cho rằng việc khoản nợ trên 86.000 tỷ đồng, tính đến nay vẫn chưa xác định được trách nhiệm thuộc về ai là điều khó chấp nhận. Theo đại biểu của đoàn Vĩnh Phúc, việc Hội đồng quản trị Vinashin phải chịu trách nhiệm là đương nhiên, nhưng không thể không nói đến công tác quản lý, giám sát của các Bộ, cơ quan thanh tra và ngay cả của chính Quốc hội và hệ thống pháp luật.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh. Ảnh: Hoàng Hà |
Trước những thắc mắc của các đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã thay mặt Chính phủ trình bày về trách nhiệm quản lý, giám sát tài chính đối với Vinashin. Trong bài phát biểu kéo dài hơn 8 phút, ông Ninh đã dành phần lớn thời gian để dẫn chiếu nhiều văn bản được Chính phủ ban hành xung quanh vấn đề Vinashin trong giai đoạn 2007-2009.
Về nội dung, hầu hết các văn bản được dẫn chiếu đều cho thấy mối quan ngại sâu sắc của Chính phủ đối với hoạt động của Vinashin. Thủ tướng cũng có chỉ đạo trực tiếp, yêu cầu Vinashin chấn chỉnh hoạt động, rà soát lại danh mục đầu tư. Tuy nhiên, các chỉ đạo này chưa được phía doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc.
“Khi Vinashin trình Chính phủ ý định mua tàu, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu không được mua, mà phải đóng nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình mua”, Bộ trưởng lấy ví dụ.
Về phía Bộ, kể từ khi Vinashin hoạt động theo mô hình tập đoàn năm 2006 đến nay, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra một lần (vào đầu năm 2007) và thực hiện 4 cuộc kiểm tra định kỳ hằng năm.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho VnExpress.net biết, các khoản nợ của Vinashin do Chính phủ bảo lãnh hoặc cho vay lại đã được tính vào nợ công của năm nay (dự tính chiếm 56,7% GDP). Không nói rõ bao nhiêu nợ của Vinashin đã tính vào nợ công, song ông Ninh cho biết nợ công chỉ tính những phần nợ mà Chính phủ phải trả hoặc có khả năng phải trả, chứ không tính phần doanh nghiệp (dù là doanh nghiệp Nhà nước) tự đi vay và tự trả mà không có bảo lãnh của Nhà nước. Theo ông Ninh, Chính phủ đang xây dựng một chiến lược nợ mới với cái nhìn dài hạn tới 30 năm. "Cơ cấu nợ của mình hiện nay nhìn ở giai đoạn trước mắt là an toàn, nhưng về lâu dài phải thận trọng. Cơ cấu nợ hiện nay chiếm phần lớn là ODA, nhưng về lâu dài khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, công nghiệp phát triển, thì các khoản vay ODA sẽ giảm đi, thay vào đó sẽ là vay thương mại. Đến thời điểm đó phải tính toán kỹ", ông Ninh nói. |
Qua những lần thanh, kiểm tra này, đã phát hiện thấy Vinashin thành lập quá nhiều công ty con, đầu tư dàn trải, cân đối nguồn không hợp lý và chủ yếu là dựa vào vốn vay. Căn cứ vào kết quả này, Bộ đã kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng ban hành các quyết định chấn chỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vì những lý do khách quan cũng như chủ quan từ phía Vinashin mà các chỉ đạo của Chính phủ không được thực hiện triệt để, dẫn tới những đổ vỡ sau này.
Câu chuyện “trên bảo mà dưới không nghe” nói trên, theo Bộ trưởng Ninh, để lại nhiều bài học, mà trước hết là công tác phân công, giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp phải phù hợp với năng lực, trách nhiệm của người quản lý.
Một thiếu sót khác của Bộ Tài chính cũng được Bộ trưởng thừa nhận là vai trò giám sát của cơ quan quản lý còn nhiều bất cập. “Thực tế, nhiều sai phạm của Vinashin chỉ được phát hiện qua thanh - kiểm tra. Mà nhiều khi đến lúc thanh - kiểm tra thì sự việc đã xảy ra rồi”, Bộ trưởng thừa nhận.
Riêng về vấn đề nợ của Vinashin, nhiều đại biểu cho rằng khoản vay 86.000 tỷ của doanh nghiệp này hiện đã mất. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính, căn cứ vào số liệu báo cáo của Hội đồng quản trị Tập đoàn, tổng tài sản hiện có trên sổ sách của Vinashin là 103.774 tỷ.
“Như vậy là toàn bộ số tiền vay của Vinashin vẫn nằm trong các dự án. Tất nhiên là có dự án có hiệu quả, có dự án không. Hiện Chính phủ đang yêu cầu kiểm toán để đánh giá lại”, Bộ trưởng cho biết.
Đánh giá khoản nợ của Vinashin dưới góc độ kinh tế, đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho rằng nếu các con số được tập đoàn này báo cáo là chính xác thì cân đối tài chính và vốn chủ sở hữu của Vinashin thực tế vẫn còn.
Tuy nhiên, theo đại biểu của tỉnh Sóc Trăng, vấn đề của Vinashin không phải là việc Tập đoàn này đã phá sản hay chưa, như nhiều ý kiến lo ngại khác, mà là hiệu quả đầu tư của vốn vay tại Vinashin như thế nào. Theo kiến nghị của đại biểu này, Chính phủ nên thành lập một cơ quan chuyên quản lý phần vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để hạn chế những trường hợp tương tự như Vinashin trong tương lai.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Đức Kiên cũng lưu ý Quốc hội và Chính phủ về công tác lựa chọn và sử dụng cán bộ, bởi đây là một trong những mấu chốt dẫn đến vụ việc Vinashin. “Việc để quá lâu một cá nhân vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị, vừa là Tổng giám đốc, vừa là Bí thư Đảng ủy của Tập đoàn là một trong những điều kiện tạo cho sai sót của Vinashin thêm nặng nề”, đại biểu Kiên nhận định.
Tuy vậy, cũng theo ông Kiên, Quốc hội cũng nên nhìn nhận sự kiện Vinashin trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ năm 2003 đến nay. “Vinashin là một trong 8 tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tiên thành lập, và đó là tập đoàn có sai phạm, khuyết điểm. Nhưng nhìn sang hoạt động kinh doanh của các tập đoàn kinh tế khác như VNPT, PVN…, chúng ta không thể nói đây là sai lầm mang tính hệ thống. Đừng nên để một sai lầm kéo tư duy của chúng ta quay lại 10 năm trước”, đại biểu Kiên khẳng định.
Trao đổi với báo chí tại hành lang Quốc hội sáng nay, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch tỏ ra quan ngại về việc thiếu cơ sở pháp lý để quản lý và giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế, từ đó dẫn tới những sơ hở trong công tác điều hành. Trước đây, khi Việt Nam chưa có mô hình tập đoàn, chỉ có các tổng công ty 91, nhưng điều lệ của các đơn vị này được quy định trong một nghị định của Chính phủ. Tập đoàn ngày nay có quy mô lớn hơn các tổng công ty rất nhiều, nhưng điều lệ của nó được chỉ nằm trong một quyết định. "Ở các nước, với các tập đoàn lớn, điều lệ của nó là một đạo luật của quốc hội. Cơ quan nào ban hành điều lệ đó là việc quan trọng, bởi nó sẽ quyết định việc doanh nghiệp phải báo cáo tình hình hoạt động cho ai. Nếu điều lệ của tập đoàn là đạo luật, thì tập đoàn phải báo cáo hoạt động cho quốc hội, chứ không phải thủ tướng hay Chính phủ", ông nói. |
Nhật Minh