Đăng đàn phát biểu ý kiến xung quanh vấn đề Vinashin trong phiên họp chiều nay, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng và Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đều thừa nhận, để xảy ra sai phạm tại Vinashin, trách nhiệm của các cơ quan trực thuộc Chính phủ là không nhỏ.
Phát biểu ý kiến dưới góc độ là cơ quản lý ngành của Vinashin, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng phát biểu khá sớm trong phiên làm việc chiều nay.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng. Ảnh: Hoàng Hà |
Mở đầu khá điềm tĩnh, Bộ trưởng Dũng cho biết, theo quy định quản lý hiện hành đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải thực hiện 2 nhiệm vụ chính tại Vinashin: Tập trung quản lý Nhà nước và giữ vai trò chủ sở hữu vốn, thông qua hội đồng quản trị.
Về quản lý Nhà nước theo góc độ ngành, Bộ trưởng khẳng định đã thực hiện nghiêm túc và tương đối rõ ràng, đúng theo quy định. Tuy nhiên, đối với nhiệm vụ giám sát hoạt động đầu tư, Bộ tự cho rằng mình chưa thực sự làm tốt.
“Tuy có chỉ ra được một số vấn đề để báo cáo Chính phủ nhưng trong đa phần các trường hợp, việc phát hiện còn chậm. Thậm chí, với các vấn đề liên quan đến cố ý làm trái, Bộ hoàn toàn không phát hiện được. Đây là khuyết điểm của chúng tôi”, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thẳng thắn.
Tuy nhiên, cũng theo vị Bộ trưởng này, cơ quan quản lý thực sự đã gặp nhiều lúng túng khi thực hiện chức năng giám sát, mà chủ yếu do những bất cập của cơ chế mang lại.
“Từ khi thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, chúng ta không thực hiện quy chế Bộ chủ quản nữa, thay vào đó là quản lý theo ngành. Với cơ chế này, Bộ không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mà ranh giới giữa quản lý Nhà nước, đại diện chủ sở hữu vốn với không can thiệp vào quyền chủ động của doanh nghiệp… đôi khi rất mong manh”, Bộ trưởng chia sẻ.
Những bất cập trong cơ chế giám sát cũng là lý do được Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đưa ra để giải thích thắc mắc của nhiều đại biểu: Tại sao 11 lần thanh tra không phát hiện được sai phạm tại Vinashin?
Theo ông Truyền, đúng là từ đầu năm 2006 đến 2010 đã có 11 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát… diễn ra tại Vinashin. Nếu tính cả các cuộc nội bộ thì còn nhiều hơn. Tuy nhiên, Tổng thanh tra lưu ý đây là cuộc việc kiểm tra - giám sát của nhiều cơ quan chức năng, chứ không riêng gì cơ quan thanh tra.
“Theo quy định, các cơ quan này có chức năng giám sát khác nhau nên chỉ kiểm tra những vấn đề thuộc phạm vi mình phụ trách nhiệm, chứ không thanh tra toàn diện. Chúng tôi là cơ quan duy nhất có chức năng này, nhưng lại vướng phải quy định không thanh tra chồng chéo. Vấn đề này là do cơ chế”, ông Truyền giải thích.
Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền |
Theo người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động thanh tra, trong giai đoạn 2008 - 2010, cơ quan này đã 3 lần đề nghị thanh tra toàn diện Vinashin. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, các đợt thanh tra này luôn bị trì hoãn.
Lần đầu vào giữa năm 2008, Thanh tra Chính phủ đã có ý định thanh tra Tập đoàn này. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Bộ Tài chính có 2 cuộc thanh tra liên tiếp nên để tránh chồng chéo nên cơ quan này buộc lùi lại kế hoạch sang năm sau.
“Đến năm 2009, chúng tôi lại đề xuất kế hoạch thanh tra toàn diện Vinashin. Kế hoạch đã được duyệt. Tuy nhiên, đến tháng 3, Chính phủ lại họp và ra Nghị quyết, đề nghị giảm áp lực thanh tra cho các tập đoàn, tổng công ty để tập trung chống suy giảm kinh tế nên lại phải hoãn lần thứ hai”, ông Truyền chia sẻ.
Đến đầu năm nay, Thanh tra Chính phủ lần thứ 3 đưa ra kế hoạch làm việc với Vinashin. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc và phát hiện ra sai phạm của tập đoàn này.
“Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, việc thanh tra nhiều nhưng không phát hiện được vi phạm là có vấn đề về mặt trách nhiệm. Tuy nhiên, một phần khác là do cơ chế, do lo ngại chồng chéo, không phân công rõ ràng, dẫn đến chờ đợi lẫn nhau. Vấn đề này, Chính phủ và Thanh tra Chính phủ đã kiểm điểm, nhận trách nhiệm”, Tổng thanh tra cho biết.
Tuy nhiên, trước một số thắc mắc của các đại biểu xung quanh vấn đề có hay không sự bao che, dung túng cho Vinashin, ông Trần Văn Truyền khẳng định, hiện Thanh tra Chính phủ chưa tìm thấy bất kỳ dấu hiệu hay cơ sở nào để kết luận vấn đề này.
Nhật Minh