Theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature Ecology and Evolution hôm 28/6, địa điểm được đặt tên là Haiyan Lagerstätte - có nghĩa là "nơi cất giữ" trong tiếng Đức - nằm gần thành phố Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam. Nó chứa hơn 2.800 mẫu vật hóa thạch từ ít nhất 118 loài, bao gồm tổ tiên của sứa, côn trùng, giáp xác, giun, bọ ba thùy và bọt biển, trong đó có 17 loài hoàn toàn mới.
Với 51% hóa thạch được xác định thuộc về những sinh vật chưa trưởng thành, bên cạnh một số lượng lớn trứng được bảo quản tại địa điểm, các nhà cổ sinh vật học tin rằng Haiyan Lagerstätte từng là một vườn ươm khổng lồ trong quá khứ.
"Thật đáng kinh ngạc khi nhìn thấy nhiều hóa thạch con non như vậy, đặc biệt là từ nhóm động vật thân mềm không xương sống, thứ rất khó lưu giữ", đồng tác giả của nghiên cứu Julien Kimmig, người quản lý bộ sưu tập tại Phòng trưng bày Nghệ thuật và Bảo tàng Khoa học Trái Đất - Khoáng sản của Đại học bang Pennsylvania ở Mỹ, chia sẻ.
Tất cả hóa thạch đều có niên đây từ kỷ Cambri cách đây khoảng 518 triệu năm, khiến Haiyan Lagerstätte trở thành một trong những vườn ươm sinh vật cổ xưa nhất từng được biết đến. Vào thời điểm đó, sự sống trên Trái Đất mới chỉ tồn tại dưới đại dương. Đây là thời đại bùng nổ của loài mới nhưng cũng xảy ra các sự kiện tuyệt chủng kinh hoàng.
Nhóm nghiên cứu không chắc chắn về nguyên nhân khiến sự sống ở Haiyan Lagerstätte bị xóa sổ. Họ phỏng đoán rằng thảm họa tự nhiên - có thể là một cơn bão hoặc trận lở tuyết lớn từ ngọn núi gần đó - đã làm giảm đột ngột lượng oxy hoặc chôn vùi mọi thứ dưới vườn ươm, khiến sinh vật chết hàng loạt.
Tuy nhiên, bất kể đó là gì, thảm họa đã tạo ra một điều kiện bảo tồn hóa thạch đặc biệt tốt. Một số mẫu vật thậm chí vẫn giữ được hình dạng đẹp đến mức chứa các chi tiết mà nhóm nghiên cứu chưa từng thấy trước đây.
Bằng cách quét CT (chụp cắt lớp vi tính), các nhà khoa học có thể tái tạo mô hình 3D của những cấu trúc này, cho phép hiểu rõ hơn về thế giới sinh vật đa dạng và kỳ lạ từ cách đây hơn nửa tỷ năm.
Đoàn Dương (Theo Live Science)