Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí British, kỷ yếu của Hội hoàng gia Anh, loài khủng long mới được giới khoa học đặt tên là Nasutoceratops titusi, chúng có sừng và từng sống lang thang trên lục địa Laramidia. Tên của khủng long là sự kết hợp giữ tiếng Hy Lạp và tiếng Latin, nghĩa là cái mũi to và mặt sừng.
Hóa thạch khủng long do các nhà khoa học tìm thấy trong một khu vực rộng 760.000 ha, trên địa hình sa mạc ở trung nam Utah - nơi nhiều hóa thạch được tìm thấy vào năm 2006.
Kết quả từ việc nghiên cứu hóa thạch thu thập được cho thấy, đó là loài khủng long ăn cỏ thuộc họ khủng long có sừng Ceratops, chúng sống vào kỷ Creta muộn, cách nay khoảng 76 triệu năm. Khủng long mới có quan hệ gần gũi với loài khủng long ba sừng nổi tiếng Triceratops.
Hộp sọ được phát hiện của loài khủng long mới gần như được bảo quản nguyên vẹn, bao gồm cái mũi to và hai sừng như lưỡi kiếm hướng về phía mắt. Ngoài ra, chúng sở hữu đặc điểm giống các loại khủng long có sừng khác là tấm diềm to bằng xương giúp bảo vệ phía sau đầu.
Chiều dài từ sừng đến đuôi của Nasutoceratops titusi lên tới 4 m. Theo ông Scott Sampson, Đại học Utah, loài này đặc biệt có khứu giác nhạy cảm. Tuy nhiên, ông cho rằng, kết luận đưa ra chưa chắc chắn và cần được nghiên cứu thêm.
Mark Loewen, một đồng nghiệp của Scott Sampson, nhận xét chiếc sừng của khủng long thật tuyệt vời và nó có thể được sử dụng như một thứ vũ khí chống lại kẻ tấn công.
Đức Huy (theo AFP/Telegraph)