Hình minh họa đầu và cổ của khủng long "ma cà rồng" được tái hiện từ xương sọ. Ảnh: Livescience. |
Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, các nhà khoa học của Đại học Harvard tại Mỹ phát hiện bộ xương hóa thạch khủng long tại châu Phi, nhưng sau đó không ai để ý tới nó. Paul Sereno, một nhà cổ sinh vật của Đại học Chicago tại Mỹ nảy ra ý định nghiên cứu các mẩu hóa thạch khi ông thấy chúng trong kho của Đại học Harvard, Livescience đưa tin.
Đó là những mẩu xương của một con khủng long từng sống cách đây chừng 200 triệu năm. Hai chi trước của nó có khả năng cầm, nắm, còn hai chi sau có màng. Chiều dài thân của nó vào khoảng 60 cm, còn trọng lượng cơ thể chỉ ở mức gần 7 kg. Các nhà khoa học gọi nó là Pegomastax africanus.
"Đuôi và cổ chiếm phần lớn chiều dài cơ thể của loài khủng long này", Sereno nói.
Mới đây Sereno và các đồng nghiệp đã phân tích cấu tạo cơ thể của Pegomastax africanus. Họ nhận thấy cơ thể nó được bao bọc bởi vô số lông cứng như nhím. Con vật có hộp sọ giống như vẹt với một cái mỏ ở hàm trên. Ngoài ra nó còn có hai răng nanh ở hàm trên và hai răng nanh ở hàm dưới. Mỗi răng nanh có chiều dài chừng 8 mm.
"Với những răng nanh ấy, trông nó giống như một con ma cà rồng", Sereno bình luận.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng Pegomastax africanus không ăn thịt hay hút máu. Sự tồn tại của mỏ cho thấy nó ăn hạt, củ và trái cây. Khi khủng long ngậm miệng, những răng nanh chui gọn vào các hốc trong hàm đối diện.
""Có lẽ 4 răng nanh không phục vụ hoạt động ăn thịt. Khủng long dùng chúng để tấn công kẻ thù, tự vệ và đào đất để tìm thức ăn", Sereno nhận định.
Minh Long